Kết luận của UBTVQH về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật

17/10/2024 15:18

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh vừa ký ban hành Kết luận số 1006/KL-UBTVQH15 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật

Kết luận nêu rõ, ngày 10/10/2024, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia (sau đây gọi tắt là dự án Luật).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng các cơ quan của Quốc hội.

Để đảm bảo chất lượng dự án Luật, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, lưu ý một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất là, thực hiện đúng quan điểm “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện” đã nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Rà soát để đảm bảo các quy định trình Quốc hội sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lưu ý ý kiến của Cơ quan thẩm tra cho rằng nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia chưa thực sự cấp bách, cần thiết, ách tắc, cản trở sự phát triển. Cần phân định rõ các vấn đề thật sự cấp bách và cần thiết; những vấn đề liên quan đến câu chữ, những vấn đề khác cần phải nghiên cứu, điều chỉnh trong cả hệ thống luật sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sửa đổi sau; thu hẹp các điều, khoản đề nghị sửa đổi, đảm bảo là các vấn đề cần thiết, cấp bách cần sửa ngay, đạt sự đồng thuận cao. Các nội dung còn lại đề nghị tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi khi sửa đổi toàn diện các luật.

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.

Rà soát để đảm bảo tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều, khoản trong dự thảo Luật. Không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản Nhà nước và gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm phải đánh giá tác động đầy đủ, minh chứng được khi áp dụng mang lại hiệu quả mới quy định vào luật.

Thứ hai là, thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không hợp thức hóa các sai phạm. Đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến đối với những vấn đề chưa có quy định và còn có ý kiến khác nhau; rà soát lại các điều, khoản đề nghị sửa đổi để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, tuân thủ khoản 3 Điều 12, Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt lưu ý các nội dung đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước cần phải nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, chi tiết.

Thứ ba là, đối với các nội dung sửa đổi cho từng Luật, cơ quan thẩm tra có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, nhiều nội dung không thống nhất sửa đổi, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn những vấn đề cốt lõi, cấp bách, đồng thuận cao, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Thứ tư là, ý kiến thẩm tra cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa rà soát các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Do đó, sẽ rất rủi ro đối với các điều, khoản đề nghị sửa đổi dễ dẫn đến xung đột pháp luật, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác, kể cả các luật đang sửa đổi hoặc sẽ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8; rà soát quy định về áp dụng Luật, điều, khoản thi hành, bảo đảm khả thi, không vướng mắc khi áp dụng. Đồng thời, lưu ý nghiên cứu các ý kiến liên quan đến các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ năm là, ngoài các vấn đề cấp bách cần sửa đổi ngay, Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi toàn diện các luật theo các kết luận của các cấp có thẩm quyền, các Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách khẩn trương thẩm tra chính thức khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật gửi đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thảo luận theo quy định./.

Trọng Quỳnh