Hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà giáo

18/10/2024 11:10

Sáng 18/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch hợp tác về nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về nhà giáo: Tiếp cận từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay”. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và PGS. TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì hội thảo.

Dự án Luật Nhà giáo đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 8

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Tham dự hội thảo có: đại diện các bộ, ngành có liên quan; đại diện các trung tâm, đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, các cơ sở đào tạo uy tín;..

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Tô Văn Hòa cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xác định quan điểm giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và “Thực sự coi phát triển giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu” nhằm phát huy nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục – yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục, là khâu đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao – khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

PGS. TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhà giáo chưa thực sự được coi trọng và phát huy năng lực; cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại; chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành; công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo đã bộc lộ những bất cập nhất định; hệ thống pháp luật về nhà giáo chưa được đồng bộ, thống nhất. Do đó, rất cần có những chính sách mạnh mẽ, đột phá hơn nữa về nhà giáo để nhà giáo thực sự được tôn vinh.

PGS. TS Tô Văn Hòa nhấn mạnh, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về khoa học, làm cơ sở để đề xuất hoàn thiện pháp luật về nhà giáo; ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp, là nguồn thông tin tham khảo góp phần phục vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8 tới đây (10/2024).

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo đồng thời góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới hoạch định chính sách về nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo, tiêu chuẩn đào tạo, đánh giá nhà giáo; chế độ, chính sách đối với nhà giáo;…Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Nhà giáo; tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Nhà giáo trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Về hoạch định chính sách nhà giáo của nhà nước, TS. Phí Thị Thanh Tuyền, Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần quán triệt các yêu cầu về sự phù hợp/thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là mục tiêu và động lực phát triển của đất nước, không ngừng nâng cao đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt. Bên cạnh đó, các chính sách về nhà giáo đưa ra cần bảo đảm sự công bằng xã hội, có tính hợp lý, khả thi, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước vừa đáp ứng tâm tư – nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo…

 TS. Phí Thị Thanh Tuyền, Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý tại hội thảo

Liên quan tới chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, TS. Ngô Linh Ngọc, Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị, tiếp tục thực hiện chủ trương về cải cách chính sách tiền lương theo quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW và tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; có quy định cụ thể và phù hợp về cơ chế tôn vinh; bổ sung thêm một số chính sách về phúc lợi xã hội, nâng cao các mức hỗ trợ nghiên cứu; tách rời chức danh giảng viên đại học và viên chức nhà nước;... Đồng thời, quy định phải tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.

TS. Ngô Linh Ngọc, Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, nhấn mạnh sự cần thiết phải định danh nhà giáo, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đây là một nội dung rất quan trọng của Dự thảo Luật Nhà giáo lần này. Bởi nếu không sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo về nội dung trong các đạo luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Theo đó, để giải mã khái niệm nhà giáo cần làm rõ thế nào là nhà giáo? Nhà giáo bao gồm những ai, cá nhân nào? Dựa vào các tiêu chí cụ thể nào để nhận biết, xác định về nhà giáo?.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý tại hội thảo

Ngoài ra, góp ý hoàn thiện dự thảo, có ý kiến đề nghị cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn đào tạo và đánh giá nhà giáo nhất quán, áp dụng cho cả khu vực công lập và ngoài công lập; có cơ chế đặc thù hỗ trợ cơ sở giáo dục công lập; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Nhà giáo trong hệ thống pháp luật hiện hành; cân nhắc về tính khả thi nhất là điều kiện bảo đảm các quy định về phụ cấp, chế độ hỗ trợ cho nhà giáo;..

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo khoa học

Kết luận hội thảo, PGS. TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham góp hết sức tâm huyết, trách nhiệm, phong phú, chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhấn mạnh ý nghĩa, mục tiêu của việc xây dựng Luật Nhà giáo, PGS. TS Tô Văn Hòa cho rằng, các quy định cụ thể tại dự thảo cần tiếp tục được rà soát, đảm bảo tính phù hợp, khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; góp phần tạo lập môi trường để nhà giáo yên tâm làm việc, công hiến; tạo ra sức hút, các nguồn lực thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;…

PGS. TS Tô Văn Hòa cũng cho biết, ý kiến tại hội thảo sẽ được Ban Tổ chức phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, chắt lọc nhằm góp phần cung cấp thêm thông tin khoa học phục vụ quá trình hoàn thiện, cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo./.

Lê Anh

Other news