ĐBQH Nguyễn Minh Tâm: Khắc phục các điểm nghẽn về thể chế để phát triển kinh tế - xã hội

20/10/2024 08:34

Trao đổi trước thềm Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng mai (21/10), đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra đúng tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội và Chính phủ kỳ vọng: Thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Sáng mai (21/10), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Trước thềm Phiên khai mạc, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình xoay quanh Kỳ họp quan trọng này.

Phóng viên: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 21/10 tới đây. Đến thời điểm này, đại biểu đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị của Kỳ họp này?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Có thể nói, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV lần này là một kỳ họp rất quan trọng, bởi lẽ Kỳ họp góp phần thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp rất trông đợi. Vì vậy để Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV tiến hành hiệu quả, đạt yêu cầu đề ra, tại các Phiên họp UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị công tác chuẩn bị tài liệu cần kỹ lưỡng, đạt chất lượng… Chính vì thế, đến thời điểm này, rất nhiều nội dung dự kiến trình tại Kỳ họp đã và đang được các đơn vị rà soát trước khi gửi các đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, đặc biệt là Chính phủ, nỗ lực, đẩy nhanh hết tốc lực để hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu gửi đến các ĐBQH theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Tại các Đoàn ĐBQH, như ở Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo Đoàn, các đại biểu Quốc hội cũng đã nghiên cứu tài liệu về các nội dung đã có, cụ thể là các dự án Luật được thông qua tại Kỳ họp này như: Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Dữ liệu, Luật Điện lực… Từ đó, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đối với các dự thảo Luật này; tiến hành công tác tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tổng hợp, xây dựng các kiến nghị để chuyển tải tới Kỳ họp.

Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, các ĐBQH đã sẵn sàng tinh thần làm việc ngoài giờ để đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Cụ thể, đối với các dự thảo Luật chưa được tiếp cận, các đại biểu cũng chuẩn bị tâm thế để khi các tài liệu được chuyển tải hết thì tập trung nghiên cứu để có được những ý kiến chất lượng nhất, góp phần hoàn chỉnh các dự án Luật. Có thể khẳng định, dù một số nội dung vẫn đang được “chạy nước rút” nhưng về cơ bản, công tác chuẩn bị Kỳ họp 8 đã hoàn tất, từ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình Kỳ họp đến cách thức tổ chức, công tác bảo đảm, an ninh...

Phóng viên: Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 42 nội dung, bao gồm: 30 nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Có thể nói, đây sẽ là Kỳ họp với khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Đại biểu có thể cho biết bản thân quan tâm nhất đến nội dung nào của Kỳ họp này và quan điểm của đại biểu như thế nào về nhận định nêu trên?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Tại Kỳ họp này, tôi đặc biệt quan tâm đến một số nội dung được cho ý kiến và thông qua, cụ thể là dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Nội dung sửa đổi tăng 60 Điều so với Luật Điện lực hiện hành, nhiều nội dung mới, phức tạp liên quan đến việc thể chế các Nghị quyết của Đảng về năng lượng… cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, thận trọng để đảm bảo chất lượng.

Dự án Luật này có tác động rất rộng đến toàn bộ người dân, lại có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thủy lợi… Vì vậy, cần phải tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các chuyên gia để đảm bảo việc góp ý phù hợp thực tế, đặc biệt là để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan. Luật được Chính phủ để xuất thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nên nội dung này càng phải được quan tâm sát sao.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số nội dung giám sát tối cao tại Kỳ họp lần này cũng đã được gửi tới đại biểu. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, một số báo cáo còn rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật không còn phù hợp như chuyên đề giám sát về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập giai đoạn 2018-2023… Tôi rất quan tâm những hoạt động giám sát tối cao này vì điều đó thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước cử tri.

Có thể nói, đây sẽ là Kỳ họp với khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 42 nội dung, trong đó có 30 nội dung về công tác lập pháp, 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Phóng viên: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, cử tri mong muốn gì và đại biểu kỳ vọng như thế nào trước thềm Phiên khai mạc Kỳ họp cuối năm này?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, rất nhiều ý kiến cử tri quan tâm tới Luật Nhà giáo, Luật Điện lực, Luật Việc làm… Điều này phần nào thể hiện công tác lập pháp đã được người dân rất quan tâm, cử tri đã tiếp cận các Luật, Nghị quyết dưới góc độ gắn với thực tế chứ không xem đây là những quy định xa vời. Điều này rất đáng mừng, nó thể hiện “sức nóng” của hoạt động Nghị trường đã phản ánh được “hơi thở” cuộc sống.

Đặc biệt, cử tri Quảng Bình gửi gắm mong muốn Luật Nhà giáo sẽ gắn những quy định để cụ thể hóa chính sách “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Cử tri quan tâm đến chính sách cho nhà giáo như: Vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; các chính sách hỗ trợ nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau… Đối với việc miễn, giảm học phí cho con em nhà giáo, cử tri mong muốn quy định này phải đảm bảo tính khả thi của việc thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy, cống hiến cho ngành giáo dục nhưng cũng tránh dư luận trái chiều về đặc quyền mang tính chất cục bộ. Ngoài ra, bên cạnh những chính sách, lợi ích mà dự án Luật đem lại cho nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo cũng cần đồng thời yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng để đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới.

Đối với Luật Việc làm, cử tri cũng mong muốn sẽ cụ thể hóa các quy định để đảm bảo phù hợp với bối cảnh “già hóa” dân số, mong muốn được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức ưu đãi, chính sách tín dụng tạo việc làm phải đến tay người lao động thực sự có nhu cầu, hỗ trợ đúng người, đúng việc; xem xét hỗ trợ quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động; bổ sung thời gian 06 tháng nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia BHTN và nghiên cứu, xây dựng quy định về BHTN tự nguyện, đảm bảo đồng bộ với các chế độ tự nguyện khác của BHXH…

Trước thềm một kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra đúng tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội và Chính phủ kỳ vọng: Thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc