Tổ 10: Cần có giải pháp căn cơ, kịp thời đối với những vấn đề mới phát sinh

26/10/2024 10:52

Sáng 26/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,… Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang.

Thảo luận Tổ 10: Tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên thảo luận.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10

Kết quả toàn diện trên các lĩnh vực

Tại phiên thảo luận các đại biểu cho ý kiến về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10 

Đồng thời, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Quan tâm tới kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được. Trong đó, một số kết quả nổi bật phải kể tới như: Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; Chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt; Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao;…

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép;... Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta nên trước tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột tại Ucraina, Trung Đông, bất ổn chính trị, xã hội leo thang tại một số quốc gia, khu vực … gây khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hải….

Bên cạnh đó, hiện dịch vụ logistics và năng lực vận tải biển trong nước còn hạn chế nên cước vận tải tăng cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu của nước ta, nhất là sang châu Âu – thị trường lớn của Việt Nam cũng như nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng từ thị trường này. Đây là các yếu tố gây bất lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này trong dài hạn. 

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả

Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và các nhận định, đánh giá tại Báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra. Đồng thời, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với những kết quả toàn diện đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục,… Trong đó, an sinh xã hội được bảo đảm. Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đặc biệt là phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại một số hạn chế như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện vẫn tồn tại; Tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng còn phức tạp;…

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Đưa ra giải pháp, đại biểu tỉnh Thái Bình kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đồng tình với nhiều nội dung nêu trên, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, còn một số nội dung chưa được đề cập rõ nét và cần phải có giải pháp phù hợp, khả thi. Đưa ra dẫn chứng, đại biểu cho biết, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan ngại với hàng giá rẻ được bán qua sàn thương mại điện tử toàn cầu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp phù hợp về thuế, quy tắc xuất xứ,… nhằm đảm bảo thương mại công bằng, thậm chí cần có biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng  bày tỏ lo lắng về sửa đổi các nội dung liên quan tới thuế, đồng thời kiến nghị cần có lộ trình tăng phù hợp; kiến nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong kiện chống bán phá giá;…

Lưu ý biến đổi khí hậu tác động nhiều tới sản xuất kinh doanh, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm đẩy nhanh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3; xem xét hỗ trợ thúc đẩy mua bảo hiểm trong ngành nông nghiệp; nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí phân loại ngành nghề lĩnh vực xanh;…

Theo Chương trình làm việc, chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về các nội dung nêu trên và thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

***Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham dự phiên họp

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham dự phiên họp

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Các vị ĐBQH tại Tổ 10 thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,../.

Lê Anh - Nghĩa Đức