Thảo luận tại tổ 8: Cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

26/10/2024 15:35

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về việc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.Theo đó, một số ý kiến đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai; đảm đảm công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thảo luận tại tổ 8: Không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rằng năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu). Theo các đại biểu, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đến những vùng bão lũ chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn gây xúc động cho toàn thể Nhân dân, củng cố thêm niềm tin và tình cảm của Nhân dân với Đảng và các Đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2025, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai còn diễn biến phức tạp, Chính Phủ cũng đã đề ra các giải pháp chủ động ứng phó; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh. Triển khai thực hiện đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du…Điều này cho thấy, Chính Phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công phòng, chống thiên tai, nhằm bảo đảm tối đa về tài sản và tính mạng cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu đề nghị trong năm 2025, bên cạnh tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến nâng cao năng lực phòng chống thiên tai theo phương châm "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu". Về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ. Tạo lá chắn tốt trong công tác phòng chống thiên tai.

Đối với mỗi khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền Bắc đều có những loại hình thiên tai đặc trưng, do đó Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó từ trước, phù hợp với đặc điểm từng địa phương; Cần chú trọng giải pháp đó là tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống thiên tai đảm bảo hoạt động hiệu lực, kịp thời.

Đại biểu cũng đề xuất cần quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực cũng như công nghệ cho công tác dự báo thiên tai; kịp thời đưa ra dự báo, cảnh báo giúp chính quyền và từng người dân tiếp cận thông tin, chủ động ứng phó. Ngoài ra, cần có những chủ trương, giải pháp căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những vùng dễ chịu tác động của thiên tai.

Cần có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia

Quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập. Các văn bản chuyên ngành cũng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện chủ động, linh hoạt trong việc mua thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, ngành y tế đã quan tâm công tác dự báo, giám sát và phát hiện sớm để kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tiếp tục ở mức trên 80%.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và theo dõi tình hình một số địa phương cho thấy: Tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn tại một số cơ sở y tế công, chủ yếu là do hạn chế trong công tác tổ chức đấu thầu thuốc và đứt gãy nguồn cung ứng, nhất là đối với các loại thuốc hiếm. Bên cạnh đó, việc thiếu vắc-xin đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến tháng 9/2024 vẫn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến việc nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, có nguy cơ nhiễm bệnh cao, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tiếp tục không đạt mục tiêu trên 90% (mà chỉ đạt bình quân từ 30-40% cho các loại vắc-xin. Nhiều cử tri có thẻ BHYT phải mua thuốc bên ngoài, trẻ em trong độ tuổi phải tiêm ngừa dịch vụ với chi phí cao...

Tình trạng thiếu thuốc, vắc-xin và vật tư y tế thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh khiến người bệnh phải chi tiền túi mua thuốc, vật tư, đưa trẻ tiêm ngừa dịch vụ tạo thêm gánh nặng cho người dân, nhất là người dân có thẻ BHYT, quyền lợi chính đáng họ không được hưởng.

Do đó, đại biểu đề nghị cần có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia và điều phối các loại thuốc hiếm, cần tiếp tục rà soát, kịp thời nghiên cứu sửa đổi một số quy định mua sắm thuốc tập trung phù hợp với yêu cầu thực tế, tiếp tục tập trung gỡ khó cho khâu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của ngành ở cơ sở, đặc biệt quan tâm lãnh đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về đấu thầu, vì thực tế hiện nay, nhân sự thực hiện công tác mua sắm, đấu thầu trong bệnh viện đa số là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ, nên nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm nên rất dễ dẫn đến sai sót, vi phạm hoặc sợ sai rồi đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến chậm trễ tiến độ.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên và một số đại biểu cho rằng thời gian tới cần giải quyết vấn đề công bằng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, nhất là nhà ở đối với người có nhu cầu thực về nhà ở. Việc tiếp cận nhà ở còn rất khó khăn trong thực thi do giá cả, cơ cấu chung cư nặng về nhà cao cấp, đắt tiền, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội; nhà tái định cư bỏ hoang phí trong khi tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, nhà ở vẫn tiếp diễn.

Đại biểu cũng đề nghị cần khắc phục tình trạng các luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà nhưng còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa phát huy hết hiệu quả như cử tri mong đợi.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại phiên họp

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long điều hành nội dung thảo luận

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kom Tum phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ phát biểu./.

Hồ Hương - Minh Thành