Thảo luận Tổ 10: Tăng cường hiệu quả, minh bạch trong các hoạt động điện lực

26/10/2024 15:50

Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,… và dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên họp.

Tổ 10: Cần có giải pháp căn cơ, kịp thời đối với những vấn đề mới phát sinh

Thảo luận Tổ 10: Tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên họp

Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước;...

Tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan tới quy định về Chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi); cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực;…

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó  giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.

Do đó, đại biểu đề nghị, không đưa các nội dung như  "Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ ” hay  ”Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp cần thiết để ổn định phát triển kinh tế - xã hội" …vào chính sách giá điện mà phải đưa vào một mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện" cho phù hợp.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị không nên cào bằng về thời gian hoàn thành tháo dỡ nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió là 2 năm, mà cần tùy thuộc vào quy mô, công suất của dự án để quy định thời hạn tháo dở. Do vậy, cần phân ra các mốc thời hạn tcăn cứ vào quy mô của  dự án điện mặt trời, nhà máy điện gió, quy mô công suất nhỏ thì yêu cầu phải thảo dở nhanh hơn, nếu lớn thì thời gian có thể lâu hơn 2 năm để bảo tính khả thi khi thi hành luật, cũng trách tình trạng dây dưa, chậm thực hiện công việc này.

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt quan điểm, nguyên tắc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, đó là “những vấn đề thực tế biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành”, “không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư”.

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để lượng hóa các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi. Ví dụ: khoản 7 Điều 5 quy định về “Nhà nước khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp”, điểm i khoản 12 Điều 5 quy định về “các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao”. Việc định lượng phát thải cao hay thấp căn cứ theo quy định nào của pháp luật, chủ thể nào quy định?...

Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý, dự thảo Luật có Chương II quy định về Quy hoạch phát triển điện lực. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung 04 luật, trong đó có Luật Quy hoạch. Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung, có quy định về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực (Điều 11, Điều 12). Do đó, cần đánh giá và đảm bảo sự thống nhất giữa các Luật mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (trong đó có Luật Điện lực), bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến điều chỉnh quy hoạch nhằm mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cần rà soát giải thích từ ngữ tại Điều 4 để bảo đảm rõ ràng về nội hàm để áp dụng thống nhất, "Ví dụ: khoản 14 Điều 4 quy định “Điện năng lượng tái tạo là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn năng lượng sơ cấp sau: a) Năng lượng mặt trời; b) Năng lượng gió; c) Năng lượng đại dương, gồm thủy triều, sóng biển, hải lưu; d) Năng lượng địa nhiệt;... h) Các dạng năng lượng tái tạo khác... Trong quy định này, các dạng năng lượng tái tạo khác sẽ do chủ thể nào quy định, căn cứ vào gì để xác định?  Dự thảo Luật chưa giao thẩm quyền cho chủ thể nào xác định thì sẽ khó khăn khi thống nhất cách hiểu trong triển khai thực tế. ", đại biểu dẫn chứng.

 Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, dự án luật có nhiều vấn đề đặt ra, cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó, tại Điều 4 của dự thảo luật đưa ra nhiều khái niệm về giá, tuy nhiên yếu tố hình thành giá lại chưa được đề cập tới, nếu quy định như tại dự thảo sẽ khó trong việc triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý vấn đề xác định giá cần minh bạch; quy định về cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi cần cụ thể; rà soát các thức dùng từ tại Điều 5 còn mang tính nghị quyết;…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham dự phiên họp

Cũng tại phiên họp, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên họp

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Tổ 10

 Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Các vị đại biểu Quốc hội tại Tổ 10 thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và nhiều nội dung quan trọng khác../.

Lê Anh - Nghĩa Đức