Thảo luận Tổ 8: Đảm bảo không lãng phí nguồn lực trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án

29/10/2024 16:17

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Các ý kiến đại biểu đề nghị hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo không lãng phí nguồn lực trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án.

Thảo luận Tổ 8: Đảm bảo quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật. Một số ý kiến cho rằng, những vướng mắc chủ yếu thời gian vừa qua của Luật liên quan đến việc tổ chức thực hiện và một số vướng mắc tại các luật chuyên ngành nên Chính phủ cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

Cho ý kiến vào nội dung tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, nội dung này rất phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, chủ đầu tư chủ động và rút ngắn thời gian thực hiện, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án và tiến độ thực hiện chung của từng dự án thành phần độc lập. Tuy nhiên, cần xem xét, quy định cụ thể để đảm bảo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án này phù hợp và thực hiện đồng bộ với quy mô, phạm vi đầu tư của dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo không lãng phí nguồn lực trong quá trình thực hiện (đặc biệt là đối với các dự án đầu tư xây dựng mới các công trình lĩnh vực giao thông, thủy lợi…theo quy hoạch, phải đầu tư theo tuyến, qua nhiều địa phương, khu vực khác nhau).

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét, giao cho các địa phương quyết định việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với từng trường hợp, dự án cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương.

Đối với nội dung về bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc luật hóa quy định này nhằm tạo căn cứ pháp lý để các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của mình thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi và hỗ trợ người dân; tận dụng được năng lực, tổ chức bộ máy quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai thực hiện, không làm phát sinh thêm cơ cấu, tổ chức bộ máy mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu phân tích, tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội đã quyết nghị cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định bố trí vốn ngân sách địa phương bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên, giao Uỷ ban nhân dân cùng cấp uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc bố trí vốn để cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đem lại hiệu quả và lợi ích rất lớn đối với người dân, người lao động nghèo.

Tham gia thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long trăn trở, hiện nay, trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm thường xuyên xảy ra tình trạng phải kéo dài thời gian bố trí vốn. Một số dự án đã sẵn sàng nhưng chưa thể bố trí vốn nên phải chậm lại hoặc dừng hẳn. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định thủ tục để dừng lại những dự án mà không thể triển khai. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền hoặc cá nhân nào quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ quyết định dừng dự án để bảo đảm đồng bộ trong quy định pháp luật

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất quy định phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản; cho phép các dự án viện trợ không hoàn lại được hưởng quy trình như dự án khẩn cấp trong nước thay vì quy định chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm…Đặc biệt, đề xuất quy định cho phép giải ngân độc lập vốn vay lại và vốn cấp phát thay vì quy định 2 phần nhận nợ này phải diễn ra đồng thời như trước đó. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn ODA tại địa phương rất chậm.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Cùng đưa ra ý kiến hoàn thiện dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ quan tâm đến quy định tại Điều 64 về lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Đại biểu chỉ ra thực tiễn hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập, ví dụ như trường Đại học, nếu làm công trình từ 1 tỷ trở lên là phải lập kế hoạch đầu tư công xin cấp Bộ phê duyệt. Do đó nếu quy định như dự thảo Luật cũng có phần khó khăn, dẫn đến kéo dài, không giải quyết được tính linh động trong quá trình sử dụng. Vì vậy, dự thảo Luật nên thiết kế cụ thể ở loại dự án nào, kinh phí mức bao nhiêu thì phải xin cấp trên, còn dưới mức đó thì cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập dùng vốn hợp pháp để đầu tư các dự án để đảm bảo tính kịp thời.

Ngoài ra các đại biểu cũng chỉ ra thực tế, một số địa phương chưa có sự thống nhất trong phân cấp quyết định trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Do đó, việc phân cấp này là phù hợp nhằm rút ngắn thời gian trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án (đặc biệt là trong trường phải có thay đổi, phải điều chỉnh nội dung chủ trương đầu tư đã được phê duyệt). 

Việc phân cấp cũng sẽ tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, sớm phê duyệt, đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn, kịp thời đáp ứng những nhu cầu phát sinh trên thực tế. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế.

Từ phân tích trên, các ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc tập huấn hỗ trợ, tư vấn pháp lý nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kết quả quản lý và sử dụng đầu tư công. Quy định rõ ràng trách nhiệm vật chất của những người đứng đầu cơ quan chính quyền Nhà nước mỗi cấp trước kết quả quản lý đầu tư công của cấp đó.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu kết luận./.

Hồ Hương - Minh Thành