Đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách

30/10/2024 08:25

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, các ĐBQH đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như: giảm thời gian đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh, làm rõ quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản hình thành từ ngân sách…

Kết luận của UBTVQH về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật

Cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật

Chính phủ đã ký Tờ trình số 678/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn (1 luật sửa 7 luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định: Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trên với các lý do như đã nêu tại Tờ trình số 678/TTr-CP của Chính phủ để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thời gian đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ nên giảm xuống 45 ngày

Đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, tại Phiên thảo luận tại Tổ 5, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, tại khoản 9, bổ sung Điều 31a vào sau Điều 31 quy định về “Đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ”. Theo đó, khoản 1 Điều 31a quy định: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tối đa là 60 ngày khi phát hiện hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán, tài liệu báo cáo chào bán có thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung quan trọng…”.

Với quy định trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật giảm thời gian đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tối đa từ 60 ngày như dự thảo xuống 45 ngày. Lý do là vì theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải hoàn thành trong vòng 90 ngày nếu tổ chức phát hành chào bán chứng khoán riêng lẻ bị đình chỉ 60 ngày (tương đương với 2/3 thời gian). Khi đó, thời gian để chào bán chứng khoán chỉ còn 30 ngày sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc chào bán thành công chứng khoán của tổ chức phát hành do bị khống chế thời gian chào bán chứng khoán riêng lẻ. Ngoài ra, một vấn đề nữa đặt ra là, nếu trong trường hợp tổ chức phát hành đã thực hiện chào bán trái phiếu riêng lẻ được 60 ngày rồi mới bị phát hiện thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung và bị đình chỉ thì việc đình chỉ 60 ngày không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thời gian đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ để quy định phù hợp hơn.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Ngoài ra, trong dự án Luật đã bổ sung quy định về “Đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ”. Tuy nhiên, chưa có quy định về hậu quả pháp lý của việc “hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ” như: trách nhiệm công bố hủy bỏ của tổ chức phát hành chào bán chứng khoán riêng lẻ, việc thu hồi chứng khoán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức phát hành chào bán chứng khoán riêng lẻ…

Tại Điều 28 của Luật Chứng khoán 2019 đã quy định về hậu quả pháp lý của việc “Hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng”. Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của việc “hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ” và kết cấu một Điều quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ cho đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.

Có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế quy định: “Cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 của Luật này”.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tại khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế, quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế”. Do đó, khi người nộp thuế đã được khoanh nợ (áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có khả năng nộp thuế, cơ quan thuế chỉ được phối hợp thu mà không được áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu thì không thể thu được tiền thuế nợ khi đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế cuối cùng. Cho nên tại điểm b khoản 9 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi lần này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 3 Điều 125 Luật Quản lý thuế như sau: “đ) Trường hợp các khoản tiền thuế nợ được khoanh mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin người nộp thuế có khả năng nộp thuế thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh.”

Làm rõ quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản hình thành từ ngân sách

Đóng góp ý kiến với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, bên cạnh các điều khoản tại Luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật, Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung sửa đổi Điều 105 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước.

Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, trong thực tế, kết quả của triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ rất đa dạng và Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định cụ thể về việc xử lý, giao quyền tự động, lưu giữ và khai thác, tổ chức tiếp nhận và ứng dụng nghiên cứu. Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chưa có quy định nội hàm tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.

Do vậy, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định để làm rõ quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước; quy định cụ thể về quyền của đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khai thác, sử dụng tài sản; bổ sung quy định về phân chia lợi ích từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Với những ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trên, các ĐBQH đều bày tỏ sự kỳ vọng góp phần đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 07/11/2024 đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất./.

Bích Lan