Thảo luận Tổ 18: Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch, đầu tư và đấu thầu

30/10/2024 10:26

Sáng ngày 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thảo luận Tổ 18: Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 18 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những quy định sửa đổi được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể; bảo đảm tính độc lập, ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam. 

Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến đại biểu trong Tổ cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; cho rằng việc xây dựng Luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Góp ý về nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn là hợp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, cần có các quy định cụ thể để đảm bảo chất lượng của quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch được điều chỉnh mà không qua quy trình thẩm định. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Về việc bỏ thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, theo đại biểu Thạch Phước Bình, đây là đề xuất hợp lý nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án cấp bách. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về các trường hợp có thể điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để tránh việc lạm dụng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc chuyển thẩm quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia từ Quốc hội sang Chính phủ có thể giúp tăng tính linh hoạt và giảm thời gian phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các tiêu chí, điều kiện phù hợp và quy định rõ ràng về thẩm quyền, góp phần giúp đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định này cần phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực của từng Ban Quản lý để đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu tại Phiên họp

Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung các chế tài rõ ràng về trách nhiệm của Ban Quản lý đối với các dự án có quy mô và tính chất phức tạp, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng buông lỏng quản lý. Đồng thời bổ sung danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt trong các Luật chuyên ngành như Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học và Công nghệ để đảm bảo sự thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo.

Nêu ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, tại khoản 5 Điều 2 về sửa đổi, bổ sung điểm b1 và bổ sung điểm đ, điểm e vào sau điểm d khoản 1 Điều 32 quy định: “Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I và II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị bỏ nội dung phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia, bởi một số khu vực bảo vệ II có phạm vi rộng, liên quan nhiều dự án, công trình hiện hữu cần cải tạo, chỉnh trang.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đối với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Phạm Hùng Thắng nghị Luật hóa quy định về thanh toán ngang giá khi thực hiện dự án BT. Cụ thể: “Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị Dự án BT thì Nhà đầu tư nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị Dự án BT thì Nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho Nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán Dự án BT hoàn thành”. Cùng với đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ và có giải thích cụ thể về nguyên tắc thanh toán ngang giá.

Ngoài ra, đối với sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu cho biết, điểm m, khoản 1 Điều 23 (Luật Đấu thầu 2023) quy định, gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán sử dụng vốn chi thường xuyên, không phải dự toán mua sắm, không phải dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công (cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng...).

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng góp ý về các nội dung của dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp: 

Các đại biểu tại Phiên họp

Đại biểu Lại Thế Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Trương Quốc Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Phạm Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Phạm Thắng