Sửa đổi tổng thể các điều khoản còn vướng mắc, xung đột giữa các luật trong lĩnh vực đầu tư

30/10/2024 11:50

Sáng 30/10, thảo luận tại Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Phiên họp.

Thảo luận Tổ 12: Đánh giá kỹ tác động của cơ chế khai thuế thay, nộp thuế thay đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Toàn cảnh thảo luận Tổ 12

Về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật), đa số ý kiến khẳng định sự cần thiết sửa đổi, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự thảo luận Tổ

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao Chính phủ rất cầu thị và lắng nghe tiếng nói về những vướng mắc từ cơ sở trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; thể hiện quyết tâm thay đổi, đạt được mục tiêu cao nhất trong thời gian tới. Việc trình 1 luật sửa 4 luật nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng các chiến lược và xây dựng thể chế tài chính, hạn chế xử lý những vấn đề mang tính chất sự vụ; tạo tính chủ động cho các cấp khi phân cấp, phân quyền, tránh lãng phí về thời gian, lãng phí kinh phí, từ đó tạo sự linh hoạt, tính chịu trách nhiệm cao hơn của các cấp được phân cấp, phân quyền.

Đại biểu Vũ Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu một số vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu… Đây là những luật mới được thông qua nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân, chậm trễ trong thủ tục đầu tư, chờ đợi giữa quy hoạch cấp này với quy hoạch cấp khác, chậm trễ trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng… Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tổng thể các điều khoản còn vướng mắc, xung đột lẫn nhau là cần thiết, cấp bách. Nếu không sẽ gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Đại biểu Vũ Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Các địa phương trong quá trình sửa đổi luật, đã cập nhật các vướng mắc từ khâu xây dựng kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, phân cấp, phân quyền trong quản lý… gửi tới các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành; bước đầu đã được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi chưa triệt để, nhất là trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.

Đại biểu cho rằng, với những quy định trong dự thảo luật, việc thực hiện đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế sẽ không khắc phục được, nếu vẫn coi đấu thầu vật tư y tế, thuốc là các loại hàng hóa chỉ dựa trên giá cả, mà không dựa trên công năng, tính chất của mặt hàng này.

Tương tự, đối với công tác đấu thầu các công trình, dự án đầu tư công, sửa đổi với mong muốn lựa chọn được các nhà thầu có chất lượng cao, có uy tín thực hiện, nhưng các điều khoản trong dự thảo luật lại không đảm bảo tính khả thi, chủ yếu vẫn quy định theo giá thấu đầu.

Về trình tự của đầu tư công, đại biểu khẳng định, trình tự do con người đặt ra nhưng có tình trạng “quy trình này ràng buộc quy trình kia, thủ tục này ràng buộc thủ tục khác”. Để thực hiện một dự án đầu tư công, phải áp dụng quy định của nhiều luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, liên quan đến quy định sử dụng đất rừng, đất ruộng… Mỗi quy trình đều yêu cầu thủ tục từ khâu lập hồ sơ, thẩm định, thẩm tra trước khi các cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 12

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định, đây là luật quan trọng, trên thực tế thực hiện nhiều cơ quan ở rất nhiều địa phương phản ánh vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất, điều chỉnh quy hoạch và sự thống nhất giữa quy hoạch và quy định tại các luật chuyên ngành và Luật Quy hoạch. Do đó, việc sửa đổi Luật Quy hoạch là rất cần thiết.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, cơ quan trình dự án đề nghị bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn đối với việc điều chỉnh quy hoạch, giúp giảm bớt một số bước như lấy ý kiến, thẩm định. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tán thành với đề nghị này nhưng cần quy định chặt chẽ các trường hợp được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn và chỉ áp dụng trong những trường hợp không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Đại biểu cũng cho biết, mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch chung với các quy định về quy hoạch tại các luật chuyên ngành không thống nhất. Đại biểu lấy ví dụ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội trình dự án Luật Điện lực và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, nhưng các quy hoạch ở hai dự án luật này có sự khác biệt. Trong dự án Luật Quy hoạch quy định: khi điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn, không được làm thay đổi mục tiêu, quan điểm của quy hoạch, tuy nhiên dự án Luật Điện lực (sửa đổi) quy định: khi thay đổi mục tiêu, quan điểm được điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bên cạnh đó, trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cũng quy định rất nhiều trường hợp khác được điều chỉnh theo thủ tục rút gọn, nhưng Luật Quy hoạch lại không quy định… Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung trong Luật Quy hoạch chung cơ chế trường hợp nào được tiếp tục áp dụng theo luật chuyên ngành; hoặc bổ sung trong Luật Quy hoạch “căn cứ khác” theo quy định của luật chuyên ngành, như vậy mới đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo giữa các luật liên quan đến quy hoạch.

Góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

Chính phủ giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng các quy định về đấu thầu trước; trong đó cần xem xét quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu để có quy định phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo...

Về thu hồi dự án, đại biểu Hoàng Duy Chinh đề nghị quy định chặt chẽ hơn theo hướng, nếu thực hiện không đúng cam kết cần phải thu hồi dự án, thay vì chỉ chậm trễ đưa đất vào triển khai mới thu hồi như luật hiện hành; đồng thời sửa đổi quy định về cấp phép đầu tư chặt chẽ hơn, đảm bảo không lãng phí nguồn lực.

Một số hình ảnh tại thảo luận Tổ 12:

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn điều hành thảo luận Tổ 12

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 12

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 12

Lan Hương - Phạm Thắng