Thành lập Tp. Huế trực thuộc Trung ương: Tạo động lực mới, phát triển KT-XH khu vực miền Trung và cả nước

30/10/2024 16:44

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Xây dựng chính quyền đô thị Hải Phòng với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, đây là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, là động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc Cố đô để phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với đặc trưng: Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; Khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ;…

Theo đó, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2  và 1.236.393 người; có 09 ĐVHC cấp huyện (02 quận, 03 thị xã, 04 huyện); có 133 ĐVHC cấp xã (78 xã, 48 phường, 07 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người). "Đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định...", Bộ trưởng nêu rõ.

Tạo không gian, động lực phát triển mới

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ các Đề án được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về điều kiện, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã bảo đảm các điều kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về tiêu chuẩn, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận là phù hợp với các chỉ đạo và định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và đủ điều kiện áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đối với trường hợp thành lập đơn vị hành chính đô thị có yếu tố bảo tồn di sản. Đối chiếu với hiện trạng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua, khu vực dự kiến thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.

Các vị đại biểu Quốc hội xem Videoclip về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương 

Về tên gọi, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất tên gọi “thành phố Huế trực thuộc trung ương” với các lý do như đã được lý giải trong Đề án của Chính phủ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, như các vấn đề về thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân; vấn đề hình thành và nâng cao chất lượng đời sống đô thị của người dân; việc thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi;…./.

Lê Anh - Nghĩa Đức - Phạm Thắng