Dự thảo Luật Phòng không nhân dân: Đủ điều kiện trình Quốc hội bấm nút thông qua

30/10/2024 17:02

Qua thảo luận dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đa số ý kiến các ĐBQH đánh giá cao, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo luật, cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, có tính khả thi. Dự thảo luật đủ điều kiện để trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân. 

Chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, giải trình theo hướng khái quát hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu về tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật, đó là chỉ quy định tại luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa nghị định, thông tư.

Điều chỉnh khái niệm tàu bay không người lái

Theo báo cáo giải trình, qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm "tàu bay không người lái" đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.

Với ý kiến đề nghị làm rõ hơn từ "siêu nhẹ" trong khái niệm "phương tiện bay siêu nhẹ", Ủy ban đã bỏ từ "siêu nhẹ" và xây dựng khái niệm theo hướng liệt kê các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, máy bay trực thăng, tàu bay không người lái.

Đồng thời, để đảm bảo phân biệt và phù hợp với khái niệm "tàu bay" trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa khái niệm "tàu bay" trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam như quy định tại khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ thống nhất với ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc chuyển nội dung quy định về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang dự thảo Luật Phòng không nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho công tác quản lý về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, thống nhất các khái niệm trong hệ thống pháp luật, vì trong các văn bản dưới luật, nhất là các nghị định của Chính phủ thể chế hóa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam như Nghị định số 36 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hiện đang sử dụng khái niệm “phương tiện bay siêu nhẹ” và với nội hàm không thống nhất với khái niệm “phương tiện bay khác” tại dự thảo luật.

Bộ Quốc phòng cấp phép hoặc phân cấp cấp phép bay đối với tàu bay không người lái

Quan tâm tới nội dung quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, đại biểu Trần Nhật Minh, đoàn ĐBQH Nghệ An cho biết, tại Khoản 2. Tại Điểm b, khoản 2, Điều 45 quy định về việc đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vi phạm về nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác. Tuy nhiên, trong dự thảo lại chưa quy định về thẩm quyền nêu trên thuộc cơ quan nào.

Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

“Để đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này tại Mục 1, Chương 4 về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác theo hướng cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép thì cơ quan đó có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép”, đại biểu Trần Nhật Minh kiến nghị.

Đại biểu tỉnh Nghệ An cũng đề nghị cân nhắc vấn đề “tầm nhìn trực quan bằng mắt thường” trong quy định miễn cấp phép bay tàu bay không người lái, phương tiện bay khác. Theo đại biểu, quy định này là không rõ ràng khi tầm nhìn trực quan bằng mắt thường của mỗi người là khác nhau; do đó, đại biểu đề nghị làm rõ, xác định cơ sở khoa học của tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường là bao nhiêu để quy định cụ thể.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bổ sung cho đầy đủ. “Tôi đồng ý quan điểm cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép thì cơ quan đó có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép này, bởi ai có quyền ra lệnh thì người đó có quyền thu hồi lệnh của mình”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng vấn đề “tầm nhìn trực quan bằng mắt thường” nên quy định cụ thể trong thông tư, nghị định mà không nên đưa cụ thể vào trong Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã bám sát kết luận chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội để tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo luật một cách công phu. Các ý kiến cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh, bố cục nhiều nội dung của dự thảo luật cơ bản bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, có tính khả thi và đại biểu cũng nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật đủ điều kiện để trình Quốc hội bấm nút thông qua.

Về các ý kiến cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giữa hai hai đợt họp. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ sẽ hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội thông qua theo đúng chương trình đề ra./.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội dư phiên thảo luận tại Hội trường.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng

Đại biểu Lê Quân - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức - Phạm Thắng