Cần bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới

01/11/2024 09:30

Thảo luận tại phiên họp Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong trong giai đoạn mới.

ĐBQH phân tích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 đạt thấp

Toàn cảnh Phiên họp

Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu cho rằng, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế nước ta đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức bởi những tác động sau đại dịch, tình hình kinh tế thế giới hồi phục rất chậm, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và trầm trọng hơn…, song với những nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, năm 2024, nhất là đến Quý III vừa qua đã đạt được những kết quả khá lạc quan. Đã có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó xuất nhập khẩu gia tăng ấn tượng, chỉ tiêu khó khăn trong những năm qua là năng suất lao động đã đạt được cũng là điều đáng mừng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt mức 28%

Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra thực tế, lực lượng lao động của nước ta trên 50 triệu người, nhưng lao động khu vực phi chính thức khá cao chiếm tới 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt mức 28%. Tỷ kệ thất nghiệp trong thanh niên luôn cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đây là vấn đề đã được chỉ ra thời gian qua nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam trăn trở, làm sao để có thể khắc phục được điểm nghẽn về nhân lực- 01 trong 03 điểm nghẽn lớn nhất đã được Tổng Bí thư đề cập trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 này. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển với trọng tâm là tăng trưởng, chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển, song mỗi năm tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ được khoảng 1% thì sẽ rất khó khăn để có thể đáp ứng với yêu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người lao động”, đại biểu Trần Thị Hiền nhấn mạnh.

Cần chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động

Tính đến hết tháng 9/2024, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 19 triệu người. Tuy nhiên, tốc độ tăng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 năm 2023 - 2024 đã có xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước năm 2019. Đáng chú ý, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đến nay vẫn chủ yếu gần như chỉ để chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, việc hỗ trợ đào tạo nghề rất hạn chế trong nhiều năm qua chưa được khắc phục.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền, cần phải có giải pháp để thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho người lao động, bởi nếu chỉ nhà nước làm sẽ còn tiếp tục khó khăn. Đặc biệt, cần rà soát, đánh giá sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 để có những điều chỉnh trong tổ chức thực hiện và giải pháp phù hợp, trong đó có việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực của hệ thống các trường nghề để đáp ứng với thị trường lao động.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Quan tâm đến thực trạng khó khăn của kinh tế đã khiến cho nhiều lao động mất việc thời gian qua, đặc biệt là người có thu nhập thấp gặp rất nhiều thách thức trong việc duy trì cuộc sống, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị, cần mở rộng diện hỗ trợ đối với lao động thất nghiệp, tăng mức trợ cấp cho người có hoàn cảnh khó khăn và đẩy mạnh các chương trình đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

Theo đó, có thể thành lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho những đối tượng gặp khó khăn kinh tế và điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng mức độ bao phủ và hiệu quả.

Đảm bảo chất lượng của việc đào tạo, cấp bằng

Theo Báo cáo của Chính phủ, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên, nhiều cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng phản ánh, hiện nay có tình trạng sử dụng bằng cấp giả, song các trường hợp này thời gian qua bị phanh phui trên các trang mạng xã hội, chứ không phải do chính cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục xác minh. “Điều này cho thấy việc quản lý, đào tạo cấp bằng của một số cơ sở giáo dục cần phải được quan tâm nhiều hơn”, đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, chính điều này đã làm cho nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng về uy tín, chất lượng đào tạo cấp bằng của ngành giáo dục hiện nay. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng để đảm bảo chất lượng, thực chất, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội./.

Thu Phương

Other news