Chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối

11/11/2024 15:00

Tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối. Cùng bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tài chính thế giới tiếp tục biến động phức tạp, việc ổn định thị trường ngoại hối có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tổng thuật sáng 11/11: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng

Lãi suất của các nước lớn có xu hướng giảm, gây áp lực lên tỷ giá VND

Quan tâm đến vấn đề thị trường ngoại hối, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nêu ra thực tế, hiện nay lãi suất của các nước lớn có xu hướng giảm, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá của đồng Việt Nam, gây áp lực lên giá cả của các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam và có thể làm tăng giá thành.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết những giải pháp để có thể ổn định được thị trường ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì trong thời gian tới giúp chúng ta có thể tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận được những nguồn tín dụng để thực hiện việc mua nhà ở xã hội với những giải pháp để giảm lãi suất của ngân hàng trong thời gian tới?

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ, pháp luật hiện hành có khá nhiều văn bản quy định về quản lý các hoạt động ngoại hối, kinh doanh ngoại hối ở nước ta. Tuy nhiên, với thực tế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là việc giao dịch được thực hiện qua online, qua không gian mạng đã phát sinh nhiều hiện tượng lừa đảo, giả mạo của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng thường được gọi là Forex, nhưng không được cấp phép, hoạt động trái pháp luật. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thực trạng quản lý về kinh doanh ngoại hối hiện nay và biện pháp để có thể quản lý, xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối không được cấp phép, hoạt động trái phép ở nước ta?

Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Lo ngại trước tình hình diễn biến lạm phát toàn cầu khó dự đoán và xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia lớn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có chiến lược nào vừa bảo đảm sự linh hoạt, vừa duy trì khả năng tự chủ chính sách tiền tệ trong dài hạn? Đồng thời đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm và giải pháp xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với cơ chế tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt theo hai chiều tăng/giảm và biên độ tỷ giá USD/VND hàng ngày +/-5%, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Bên cạnh đó, linh hoạt áp dụng các biện pháp mua/bán can thiệp ngoại tệ trên thị trường khi cần thiết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu tại hội trường

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với công tác truyền thông cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Một số giai đoạn, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp, tiến tới xóa bỏ tình trạng đô la hóa nền kinh tế

Cho rằng vấn đề quản lý thị trường ngoại hối hiện nay vẫn còn những vướng mắc, tồn tại, TS. Phan Đăng Hải, Khoa Luật, Học Viện Ngân hàng đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối cần hướng đến mục tiêu ưu tiên cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; tăng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Dưới góc độ pháp lý, các nhà lập pháp cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt xu hướng trong thời gian tới cần đổi tên gọi thành Luật ngân hàng Trung ương nhằm thể hiện rõ tính độc lập, chủ động trong hoạt động của ngân hàng trung ương nói chung và trong hoạt động quản lý ngoại hối nói riêng, vừa bảo đảm vai trò của Ngân hàng Nhà nước là một cơ quan Chính phủ.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý thị trường ngoại hối (Ảnh minh họa)

Riêng quy định về hoạt động quản lý ngoại hối, Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần khắc phục một số bất cập nhằm nâng cao vị thế của ngân hàng trung ương như: Cần bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng trung ương trong việc hoạch định và điều hành chính sách tỷ giá trong phần quản lý của Nhà nước về ngoại hối. Bởi lẽ, Điều 31 Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 không quy định chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và điều hành chính sách tỷ giá. Mà tỷ giá hối đoái luôn gắn chặt với chính sách tỷ giá của ngân hàng trung ương, gắn với việc điều hành tỷ giá để thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ. Điều 33 Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 chỉ quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước và quốc tế vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia. Quy định như vậy là chưa đủ và chưa thể hiện rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện chức năng của một ngân hàng trung ương, bởi vì ngoài việc mua bán ngoại hối trên thị trường, ngân hàng trung ương còn thực hiện nhiều nghiệp vụ ngoại hối khác như các hoạt động về đầu tư dự trữ ngoại hối, vay và cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh vay nước ngoài của tổ chức tín dụng... để thực hiện chức năng và các nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, các cơ quan lập pháp cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013) và các văn bản hướng dẫn liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn, giao dịch vãng lai và các quan hệ kinh tế khác liên quan đến ngoại hối. Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đề cao nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân khác trong việc kiểm tra, kiểm soát, xuất trình chứng từ có liên quan đến hoạt động này.

Thứ ba, cần áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một số biện pháp cơ bản cần tiến hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể kể tới như: Điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm phù hợp với các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ; thực hiện đồng bộ các biện pháp tiến tới xóa bỏ cơ bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế; tăng cường kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định quản lý ngoại hối về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, đặc biệt các hành vi mua, chuyển, mang ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Cùng đưa ra một số giải pháp nhằm kịp thời kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra một số khuyến nghị sau:

Một là, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng tổng cầu tăng, giảm áp lực lạm phát.

Hai là, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp nhằm giữ ổn định vĩ mô; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt để hạn chế tối đa nhập khẩu lạm phát, đồng thời giữ ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ.

Ba là, minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Bốn là, đánh giá tác động của việc tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá điện, giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Năm là, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai gây ra. Đặc biệt, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng trước các chính sách, giải pháp tài khóa, tiền tệ và điều chỉnh lương.

Hồ Hương