Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược: Cần công cụ quản lý hiệu quả hoạt động mua bán thuốc online

15/11/2024 15:21

Chia sẻ quan điểm tại Tọa đàm Đối thoại Chính sách với chủ đề: “Mua bán thuốc online - Nên hay không?” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức (15/11), đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung quy định cho phép mua bán thuốc online. Đồng thời đề nghị cân nhắc bổ sung quy định mua thuốc kê đơn qua mạng và các công cụ quản lý hiệu quả hoạt động mua bán thuốc online.

Kết luận của UBTVQH về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Tọa đàm có sự tham gia thảo luận của bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) và bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương.

Nhu cầu mua bán thuốc online lớn và còn tăng nhanh

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong những điểm mới của dự thảo luật được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm là lần đầu tiên quy định cho phép mua bán thuốc online.

Tọa đàm đối thoại chính sách “Mua bán thuốc online – Nên hay không?”

Hiện việc mua bán thuốc trực tuyến đã và đang diễn ra phổ biến nhưng vấn đề đặt ra là làm sao đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật. Nên hay không nên cho phép mua bán thuốc online? Trên môi trường truyền thống, dược phẩm đã là lĩnh vực nhạy cảm, khó quản lý, khi lên môi trường giao dịch điện tử cần được quản lý theo cách thức như thế nào?... Vấn đề này được các đại biểu tham gia Tọa đàm quan tâm thảo luận.

Một số nước trên thế giới và trong khu vực đã và đang triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ở Việt Nam, bán thuốc online bắt đầu xuất hiện từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phổ biến, nhất là sau giai đoạn cách ly của đại dịch Covid-19. Theo ước tính, thị trường thuốc online Việt Nam đang chiếm khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc. Hiện đã xuất hiện nhiều chuỗi nhà thuốc lớn với hơn 3.000 cửa hàng đã bán thuốc online. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã có quy định cho phép mua bán thuốc online

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Thay vì phải đến tận nơi khám bệnh và mua thuốc, người bệnh có thể đặt hàng trực tuyến một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Khi người dân có thể mua thuốc kê đơn qua mạng, số lượng bệnh nhân đến trực tiếp các bệnh viện và phòng khám có thể giảm bớt, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và tránh lây nhiễm chéo.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp bệnh lý mạn tính, khi bệnh nhân chỉ cần tái khám để lấy thuốc, không cần phải khám lại. Bên cạnh đó, việc mua thuốc online có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí vận chuyển và chi phí khám bệnh. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chi phí phụ trợ khác.

Nếu việc bán thuốc kê đơn qua mạng được quản lý chặt chẽ, có thể giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy. Người dùng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà nhắc lại thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đó là tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Đây là thông điệp quan trọng đối với công tác xây dựng chính sách; quan điểm này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội, với xu thế của thời đại. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược về việc kinh doanh dược phẩm, kinh doanh thuốc trên môi trường thương mại điện tử là phù hợp với thực tiễn.

Chia sẻ dưới góc độ cơ quan quản lý trực tiếp thương mại điện tử, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương nhấn mạnh, thương mại điện tử trở thành phương thức rất phổ biến, ngoài dược, có nhiều sản phẩm nhạy cảm, nhưng nếu cấm sẽ đi ngược xu hướng.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn gặp Covid-19, bị giãn cách, hạn chế tiếp xúc, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, việc mua đủ các loại thuốc đáp ứng liệu trình điều trị cũng không dễ dàng. Do vậy, hình thức mua bán thuốc online cũng là một trong những phương thức hợp lý; hơn nữa việc quản lý, lưu vết về việc mua hàng online dễ dàng hơn so với mua hàng trực tiếp.

Ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa cho rằng, nhu cầu mua bán thuốc online là rất lớn và sẽ còn tăng nhanh. Khi có nhu cầu, sẽ có nhiều phương thức cung cấp dịch vụ khác nhau. Nếu không tạo hàng lang pháp lý cho hoạt động mới này dễ tạo ra một loạt rủi ro khác. Vì vậy, ông Vũ Thái Hà mong muốn có hướng dẫn cụ thể, công bằng về mặt pháp lý đối với lĩnh vực này.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phân biệt rõ giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động Livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán “chui”, khó nắm bắt, khó phát hiện.

Đề xuất giao Chính phủ quy định danh mục thuốc được phép mua bán online

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV quy định chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn và chưa cho phép bán thuốc có kê đơn. Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, dự thảo luật quy định: thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn; thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử là thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu là thuốc. Như vậy, trên sàn thương mại điện tử sẽ có hai hình thức kinh doanh là thuốc được bán lẻ và thuốc được bán buôn.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà 

Theo quy định tại Luật Dược, thuốc được bán lẻ là thuốc bán trực tiếp cho người tiêu dùng; thuốc được bán buôn là thuốc được bán cho cơ sở kinh doanh dược hợp pháp để kinh doanh dược phẩm. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, quy định như vậy cho thấy hình thức bán lẻ để bán cho người tiêu dùng là thuốc không kê đơn.

“Tôi mong muốn trong lần sửa đổi luật lần này có những quy định để đảm bảo sự minh bạch và giao Chính phủ quy định nội dung liên quan đến việc kiểm soát giữa hình thức bán buôn và bán lẻ. Cần xây dựng những công cụ để phân biệt được người mua thuốc trên sàn thương mại điện tử và người mua thuốc trực tiếp để dùng hay là cơ sở có pháp nhân kinh doanh dược phẩm. Mặc dù hiện nay chúng ta đang có công cụ để phân biệt, nhưng việc quản lý còn quá khó khăn”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.

Đại biểu mong muốn có công cụ để quản lý hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử thông qua hình thức bán buôn. Cùng với đó, bổ sung hình thức: thuốc được bán lẻ là thuốc kê đơn, với điều kiện áp dụng dưới hình thức hệ thông kê đơn thuốc điện tử để phù hợp với xu hướng khám, chữa bệnh từ xa; hay xu hướng số hóa việc thực hiện kê đơn thuốc điện tử (Bộ Y tế đã có chủ trương này); tuy nhiên, các quy định pháp luật cần đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa 

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Thái Hà cho rằng, đối với thuốc kê đơn nên từng bước cho phép giao dịch trực tuyến. Bởi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định về hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, các văn bản dưới luật cũng hướng dẫn các nhóm bệnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Tại sao chúng ta không đề cập đến những loại thuốc, nhóm thuốc gắn liền với nhóm bệnh được khám chữa bệnh từ xa cho phép bán thông qua hình thức thương mại điện tử.

“Đây có thể là bước đầu tiên và tùy mức độ tuân thủ thị trường, mức độ nhận thức của người dân, người tham gia kinh doanh và người sử dụng thuốc để có các thủ tục tiếp theo”, ông Vũ Thái Hà nêu quan điểm.

Để công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử dược có hiệu quả và đáp ứng được thực tế khám chữa bệnh hiện nay, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược không nên quy định cứng về những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán trực tuyến, chỉ được bán thuốc thuộc danh mục không kê đơn. Bởi, mỗi lần ban hành Luật sẽ áp dụng trong thời gian dài, rất khó sửa đổi bổ sung, đôi khi kéo dài sẽ không đúng với tình hình thực tế, không thể kịp thời phục vụ tốt cho đời sống người dân.

Vì vậy, đại biểu đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược giao Chính phủ, Bộ Y tế được quyền ban hành hướng dẫn chi tiết ở các nghị định, thông tư tiếp theo. Chính phủ hoặc Bộ Y tế do Chính phủ phân công sẽ ban hành danh mục hoạt chất nào được phép bán hoặc cấm bán. Khi đó, bất cứ thuốc dù có tên thương mại nào nhưng nằm trong danh mục hoạt chất cấm bán thì vẫn phải tuân theo quy định.

Trước một số băn khoăn lo ngại sẽ không kiểm soát được việc kinh doanh dược phẩm trực tuyến, đại biểu dự tọa đàm cho rằng, mua thuốc thực hiện qua môi trường điện tử sẽ minh bạch và cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát về nội dung tư vấn, theo dõi chi tiết hành trình vận chuyển thuốc. Ngoài ra, việc giao nhận thuốc với người bệnh có đối chiếu qua hình ảnh, chứng thực xác nhận về số lượng, chất lượng và lưu giữ bằng chứng trên môi trường điện tử phục vụ cho việc truy xuất vài tháng sau đó vẫn khả thi. Đặc biệt, trong tình huống có sự cố ngoài ý muốn, việc truy xuất đường đi của hàng hóa sẽ đơn giản và chính xác hơn rất nhiều.

Lan Hương - Phạm Thắng