Lựa chọn đối tác sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện đại hoá công nghiệp đường sắt

20/11/2024 17:17

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận toàn thể ở Hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử

Hành lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo đó, việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này.

Là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc đầu tư Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và Châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu

Thảo luận tại phiên họp toàn thể ở Hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao với chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao ở thời điểm này với những luận giải mà Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo liên quan. Đại biểu phân tích, về công nghệ, trên thế giới có Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý là những quốc gia tự phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ đường sắt tốc độ cao. Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha đều là các nước nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ. Như vậy, có thể thấy, cả thế giới có 4 quốc gia sở hữu công nghệ gốc nhưng có 2 quốc gia phát triển đường sắt tốc độ cao và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về công nghệ, cụ thể là Pháp và Nhật Bản. Điều quan trọng là nước ta lựa chọn đối tác làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phải dựa trên tiêu chí giá cả mà ở góc độ chuyển giao công nghệ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện đại hoá công nghiệp đường sắt.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, theo dự thảo, thời gian triển khai Dự án từ năm 2025 và sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035. Theo đại biểu, thời gian triển khai như vậy là quá dài, trong khi Nhật Bản - quốc gia đầu tiên triển khai đường sắt tốc độ cao cách đây 60 năm cũng chỉ cần hơn 5 năm để hoàn thành, Trung Quốc cũng chỉ cần gần 5 năm cho đường sắt tốc độ cao đầu tiên của quốc gia mình. Và gần nhất là Indonesia cũng cần 7 năm (tính cả thời gian kéo dài)... Đại biểu cho rằng, với bài học từ 22 quốc gia đã thực hiện, với công nghệ phát triển nhanh chóng và hiện đại, quốc tế hoá như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể " đi tắt đón đầu", rút ngắn hơn nữa thời gian triển khai dự án. Đồng thời, khi nhìn lại quá trình triển khai dự án của các quốc gia, điểm chung là thời gian chuẩn bị đầu tư của họ dài nhưng tiến độ thi công dự án lại rất nhanh, cho thấy việc chuẩn bị dự án rất được coi trọng, xem xét thấu đáo các nguồn lực, đánh giá tác động, các phương án phát sinh rất toàn diện, kỹ lưỡng.

Do vậy, đại biểu đề nghị giảm thời gian thực hiện dự án xuống dưới 10 năm với tinh thần chuẩn bị dự án thận trọng nhưng triển khai dự án "thần tốc". Cho rằng  "chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới", đại biểu nêu rõ, cần triển khai dự án thần tốc để tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã tham gia nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế, đầu tư trí tuệ, tổ chức nhiều hội thảo để kịp thời hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này. Cơ bản đồng tình với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu nhấn mạnh, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều quốc gia phát triển đưa vào sử dụng, mang lại phương tiện giao thông hiện đại, thuận lợi cho người lao động, khách du lịch.

Qua trải nghiệm đường sắt tốc độ cao tại các nước phát triển, đại biểu bày tỏ khao khát Việt Nam sớm có phương tiện giao thông hiện đại này. Các đây 15 năm, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, tuy nhiên, lúc đó nền kinh tế nước ta chưa ổn định, nợ công còn cao. Đến nay, nước ta đã có điều kiện tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp, GDP đầu người đang vượt qua mức trung bình thấp. Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, việc đi lại của người dân được thuận tiện, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, giúp ta khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà tuyến đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Đại biểu lưu ý, đây là phương tiện giao thông tốc độ cao, nên yêu cầu kỹ thuật, an toàn hết sức nghiêm ngặt, không nên vì chi phí hay nguồn thu mà thiếu tập trung cho yêu cầu này. Biến đổi khí hậu ở nước ta ngày càng khắc nghiệt, số cơn bão hàng năm tại biển Đông rất cao, vì vậy, cần quan tâm đến số trạm dừng, nhà ga khi thiết kế. Đại biểu cũng cho rằng, kinh phí để triển khai dự án là rất lớn, cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA. Cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu trong nước, huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia dự án.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu

Đóng góp ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ đồng tình với việc triển khai Dự án, đồng thời nhấn mạnh, đây là Dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đất nước. Do vậy, cần phải đánh giá kỹ dưới các góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.

Theo đại biểu, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng, vận tải cả hành khách và hàng hóa, không nên chỉ trường hợp cần thiết mới chở hàng hóa. Đại biểu nêu quan điểm, nếu chỉ vận tải hành khách thì sẽ lãng phí công suất, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dễ dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó, nếu không vận tải hàng hóa thì không giải quyết được nút thắt về logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế, không liên vận được với đường sắt quốc tế.

Cùng với đó, việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để nước ta làm chủ quá trình đầu tư, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Đại biểu nhấn mạnh, trong lựa chọn nhà cung cấp, ta nên lựa chọn công nghệ sao cho có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh trong chuyển giao công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm tới sự đồng bộ trong quy hoạch, nhất là quy hoạch rừng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đại biểu đề nghị các quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ để việc gom, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại, chi phí logistics.

Về hướng tuyến, đại biểu đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi cần bổ sung các phương án so sánh để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, nhưng đồng thời tránh đi qua vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Phương án lựa chọn phải đảm bảo tính kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt trong khu vực, quốc tế và hệ thống giao thông khác.

Đồng thời, đại biểu đề nghị khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án, nhất là tính kết nối giữa các phương tiện vận tải, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính hấp dẫn, thuận lợi của ga trong việc vận chuyển hành khách, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án này đã có thời gian nghiên cứu rất dài, hồ sơ đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Thời điểm năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai đầu tư. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố điều kiện triển khai.

Về sự phù hợp với các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình bày sự phù hợp của Dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường sắt của Việt Nam, các quy hoạch vùng, tỉnh liên quan. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó cập nhật dự kiến tổng sử dụng đất của dự án. Các địa phương cũng đã cập nhật hướng tuyến của dự án, nhu cầu quỹ đất dành cho dự án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo bước đột phá cho quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi, quy mô, phân kỳ đầu tư, lưu ý về việc kết nối vùng và kết nối với các hình thức vận tải khác. Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về hình thức đầu tư, hiệu quả tài chính, kinh tế, xã hội của dự án, công nghệ, việc sử dụng nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng đất, phương án thu hồi, tái định cư, đền bù thiệt hại, sơ bộ tổng mức đầu tư, khả năng cân đối các nguồn vốn, quan hệ với các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, khả năng huy động các nguồn vốn và sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng tại phiên họp, Quốc hội đã thảo luận về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng