Thành lập Tp. Huế trực thuộc Trung ương: Gắn kết, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả nước

21/11/2024 16:40

Chiều 21/11, phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc thành lập Tp. Huế trực thuộc Trung ương được thực hiện gắn kết, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung cả cả nước.

Có cơ chế, chính sách đặc thù, huy động nguồn lực để Huế phát triển nhanh, bền vững

Toàn cảnh phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Đây là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam và sẽ là thành phố di sản văn hóa của thế giới, thành phố đậm đặc di sản văn hóa của nhân loại với 8 di sản được UNESCO công nhận và vinh danh.

Nhấn mạnh các ý kiến ĐBQH phát biểu tại Tổ và thảo luận Hội trường, đều thể hiện sự đồng tình, thống nhất rất cao với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng cho rằng, trong các ý kiến phát biểu chất chứa cảm xúc phấn khởi, tự hào về đất nước nói chung, về tương lai phát triển của một thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam - đó là Huế. Đồng thời, các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng và đề xuất nhiều nội dung cụ thể để Huế xứng đáng là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương; phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với mong đợi của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và đặc biệt là của Bộ Chính trị, của Trung ương và của dân tộc Việt Nam.

Gắn kết, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của cả nước

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về nguyên tắc chung khi xây dựng Đề án, cần phải bám sát chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị, quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương chặt chẽ, khoa học, chín rõ cả về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đồng thời, quá trình triển khai cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thành lập các đô thị di sản.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế, trong đó lấy bảo tồn làm cốt lõi để xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tốt hơn, mạnh hơn, chất lượng hiệu quả hơn; tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển của Huế và tạo sức lan tỏa cho Huế với cả vùng và đất nước phát triển.

Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy trong phát triển đô thị Việt Nam, bảo đảm vừa kế thừa, phát triển xanh, văn minh, bản sắc giữa phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương đặt trong tổng thể phát triển đô thị Việt Nam và trong cả tổng thể hệ thống mạng lưới đô thị, mạng lưới di sản của thế giới. Theo đó, phải tạo ra được một không gian đô thị của Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn và hiện đại, góp phần tham gia vào sự dẫn dắt, phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh, khi xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải thực hiện mục tiêu tinh gọn, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thừa Thiên Huế. Trong đó, thực hiện sắp xếp lại 04 đơn vị hành chính cấp huyện và 21 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập hai quận trên cơ sở thành phố Huế hiện hữu và sáp nhập 02 đơn vị cấp huyện,... Đồng thời, cũng thực hiện việc thành lập 11 phường và 01 thị trấn. Như vậy, sau sắp xếp giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện là 09 và giảm 08 đơn vị hành chính cấp xã. “Không phải chỉ tập trung cho thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương mà phải gắn kết, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung của cả nước hiện nay...”,  Bộ trưởng khẳng định.

Xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết hiệu quả, kịp thời các vấn đề phát sinh

Ghi nhận và chia sẻ với các quan điểm của ĐBQH, Bộ trưởng cho biết, đối với các ý kiến đề nghị cần có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội 02 báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết 38 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù cho phát triển Thừa Thiên Huế. Vì vậy, trước mắt sẽ vẫn tiếp tục thực hiện nghị quyết 38; đồng thời, Chính phủ sẽ phối hợp và tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở sơ kết 5 năm nghị quyết 54 sẽ có kết luận của Bộ Chính trị, từ đó tham mưu để Quốc hội ban hành một nghị quyết mới với cơ chế, chính sách nổi trội, mạnh và toàn diện hơn; bám sát  những vấn đề nòng cốt, cối lõi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đảm bảo  thực hiện các mục tiêu, yêu cầu phát triển đô thị xanh, hài hòa bản sắc và văn minh, hiện đại. Trong đó, hết sức chú trọng đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,...

Liên quan tới kiến nghị về tên gọi, Bộ trưởng cho rằng, đây là hội tụ các yếu tố lịch sử, văn hóa và trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ về các mặt để tên gọi vừa chất chứa các tầng lớp văn hóa, vừa thể hiện là một Cố đô di sản,... Mặt khác, tên gọi tại dự thảo nghị quyết đã được lấy ý kiến và đạt được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của người dân. “Tên gọi thành phố Huế hiện hữu sẽ được tách ra thành 2 quận mới, đó là quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa, khi tách ra 2 quận mới thì tên thành phố Huế hiện hữu sẽ không còn nữa..”, Bộ trưởng cho biết.

Đối với các vấn đề khác ĐBQH quan tâm liên quan tới những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển thành phố Huế, giải quyết tốt các mối quan hệ về phát triển kinh tế - xã hội với môi trường, giải quyết tốt giữa bảo tồn, phát huy với tốc độ đô thị hóa,... Bộ trưởng cho biết, tại Đề án cũng đã thể hiện rất rõ các nội dung nêu trên.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nội dung này đã được thống nhất với Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế, theo đó, sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện để ngay sau khi được Quốc hội ban hành nghị quyết sẽ triển khai kịp thời, gắn với việc tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết 38 của Quốc hội. Đồng thời, các ý kiến của ĐBQH cũng sẽ được Bộ Nội vụ phối hợp với địa phương để rà soát kỹ lưỡng nhằm giải quyết tốt nhất các mối quan hệ nêu trên với tinh thần đây là thành phố cố đô và đây là thành phố di sản văn hóa duy nhất của Việt Nam./.

Lê Anh

Other news