Cần đăng tải công khai toàn văn các Nghị quyết, kết luận giám sát

22/11/2024 16:51

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 22/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. ĐBQH cho rằng cần quy định rõ việc đăng tải công khai toàn văn các nghị quyết, kết luận, việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và của đại biểu Quốc hội.

Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được xây dựng với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; nội dung sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải hoặc chồng chéo. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, không luật hóa những nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung cần linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bảo đảm đổi mới hoạt động giám sát hiệu quả, thực chất; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động giám sát.

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum điều hành nội dung thảo luận

Cần quy định phù hợp hơn về thành lập Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tán thành việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động giám sát thời gian qua. Tuy nhiên các nội dung sửa đổi cần phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Do đó, ngoài những nội dung dự kiến sửa đổi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định về thành lập Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu phân tích, nội dung khoản 1 Điều 52 Luật hiện hành cũng đang gây ra những khó khăn đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội. Cụ thể, Luật quy định: Đoàn giám sát do Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn và có ít nhất ba đại biểu Quốc hội là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát. Theo đại biểu, thực tế hiện nay trong 63 Đoàn đại biểu Quốc hội thì có trên 40 Đoàn có không quá 7 đại biểu Quốc hội; một số đoàn chỉ có 5 đại biểu Quốc hội. Các Đoàn đại biểu Quốc hội này chỉ có 1 đại biểu chuyên trách ở địa phương, những đại biểu khác chủ yếu là kiêm nhiệm. Do đó, việc thành luật Đoàn giám sát có từ 4 đại biểu theo quy định của Luật hiện hành rất khó khăn, có thời điểm không thực hiện được. Để tạo điều kiện cho Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương chủ động trong việc tổ chức hoạt động giám sát, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng cần sửa đổi nội dung này theo hướng không quy định cứng số lượng các đại biểu trong Đoàn để đảm bảo sự linh động, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của công tác giám sát.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long nêu rõ, tại khoản 1 Điều 62 Luật hiện hành cần bổ sung quy định cụ thể hơn về cơ cấu, thành phần đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, bổ sung quy định thành phần đoàn giám sát trong trường hợp phải vắng mặt cần thông báo trước và phải có giới hạn số lần vắng mặt khi được mời tham gia thành phần đoàn. Quy định này nhằm nâng cao tính tích cực và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân khi được mời giam gia thành phần đoàn giám sát, hạn chế tình trạng ít tham gia hoặc tham gia nhưng gián đoạn, dẫn đến không phát huy hết vai trò của đại biểu đối với chuyên đề tham gia giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 62 Luật hiện hành như sau: Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “Xây dựng đề cương báo cáo để làm căn cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện báo cáo; ban hành kế hoạch giám sát”. Quy định này nhằm khẳng định tầm quan trọng của đề cương báo cáo và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải báo cáo theo đúng đề cương, mục đích mà cuộc giám sát hướng đến, tránh báo cáo lan man, không đúng trọng tâm, làm ảnh hưởng đến nội dung và chất lượng cuộc giám sát.

Minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của Quốc hội

Đánh giá quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật hiện hành, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cho rằng cần sửa đổi theo hướng quy định rõ việc đăng tải công khai toàn văn các nghị quyết, kết luận, việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát trên Cổng thông tin điện tử của của cơ quan tiến hành giám sát để bảo đảm hơn nữa việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Đồng thời, đề xuất bổ sung công khai toàn văn Chương trình, Kế hoạch giám sát, Báo cáo kết quả giám sát trên Cổng thông tin điện tử của của cơ quan tiến hành giám sát để tạo sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và của đại biểu Quốc hội.

Đối với khoản 3 Điều 89 của Luật hiện hành, cần bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn hình thức xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, đảm bảo chế tài chặt chẽ, tăng hiệu quả giám sát cho Hội đồng nhân dân.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu rõ, dự thảo Luật dự kiến bổ sung nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là: “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”. Đại biểu cho rằng nội dung này nên xác định là mục tiêu hướng tới của hoạt động giám sát, điều này sẽ đảm bảo phù hợp với thực tiễn và vai trò của giám sát. Với lý do trên, đại biểu tán thành bổ sung nguyên tắc: "Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương".

Đối với vấn đề giám sát của những đơn vị không tổ chức Hội đồng nhân dân, đại biểu cho biết, Luật hiện hành không quy định vấn đề này. Do đó, Luật sửa đổi lần này bổ sung vấn đề giám sát của những đơn vị không tổ chức Hội đồng nhân dân là rất cần thiết. Cụ thể, trong trường hợp này, Hội đồng nhân dân của cơ quan hành chính cấp trên sẽ trực tiếp thực hiện giám sát đối với cơ quan hành chính cấp dưới; đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm giám sát nội dung này.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị giữ thuật ngữ “người được lựa chọn chất vấn” theo Luật hiện hành, không dùng thuật ngữ “người bị chất vấn”. Về tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, đại biểu băn khoăn, hiện dự thảo Luật quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là vấn đề mang tính thời sự, xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước và những vấn đề khác. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc khi quy định nhóm vấn đề chất vấn là vấn đề  “xảy ra nhiều vi phạm pháp luật” bởi khi lựa chọn vấn đề chất vấn, chúng ta chưa khẳng định được đã xảy ra vi phạm pháp luật hay chưa. Nếu khẳng định được rằng đã xảy ra vi phạm pháp luật thì cần có quy trình cụ thể, theo các trình tự, thủ tục để có thể kết luận rõ ràng rằng vấn đề đó có vi phạm pháp luật. Phân tích ở góc nhìn ngược lại, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, có nhiều vấn đề hay, tích cực cần đưa ra chất vấn để có tác dụng truyền thông, bởi vậy, không nên chỉ lựa chọn những "vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật".

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tại phiên thảo luận

Đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ nghiên cứu tài liệu tại phiên thảo luận

Các đại biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Đại biểu U Huấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum kết luận nội dung thảo luận.

Hồ Hương - Minh Thành