Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật.
Trong ngày làm việc, đã có 37 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Về nguyên tắc “Suy đoán vô tội”;
- Về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người;
- Việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Tranh tụng trong tố tụng hình sự;
- Quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội;
- Về tạo điều kiện bảo đảm hoạt động cho bào chữa;
- Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa khi tham gia tố tụng; trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng;
- Việc cấp Giấy đăng ký bào chữa; trường hợp phải chỉ định người bào chữa;
- Về căn cứ và thời hạn tạm giam;
- Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can;
- Biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt;
- Về không truy tố bị can;
- Về ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử;
- Trình tự xét hỏi tại phiên tòa;
- Người phiên dịch, người dịch thuật tại phiên tòa;
- Giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa;
- Việc ra bản án và các quyết định của Tòa án;
- Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Về điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
- Về thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thẩm quyền áp dụng các biện pháp trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự;
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử…
Trong buổi sáng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thăm và có bài phát biểu trước Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ bảy, ngày 7/11/2015 và chủ nhật, ngày 8/11/2015, Quốc hội nghỉ.
Thứ hai, ngày 9/11/2015, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe trình bày Báo cáo về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; dự án Luật đấu giá tài sản.