Từ 8 giờ 00 đến 15 giờ 30, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đã có 33 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận và 11 lượt đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung sau:
- Về các vấn đề chung: sự cần thiết sửa đổi Luật; phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; các hành vi tham nhũng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của cơ quan báo chí, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; làm rõ nội hàm tham nhũng để xác định phạm vi điều chỉnh, phân định tài sản tham nhũng và tài sản bất minh, quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật;
- Về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài nhà nước nhằm phòng, chống hiệu quả tình trạng tham nhũng ở khu vực này, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, Công ước quốc tế và thông lệ quốc tế; việc mở rộng cần có lộ trình, có thời gian để bảo đảm khả thi; phạm vi mở rộng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và đối với tổ chức xã hội có huy động tiền của người dân; cơ chế giám sát thực hiện;
- Về 02 phương án đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo dự thảo Luật: phương án mở rộng phạm vi đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch, bao gồm cả công chức cấp xã và phương án thu hẹp phạm vi chỉ áp dụng đối với những người giữ chức vụ có hệ số phụ cấp chức vụ nhất định trở lên và trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; đề xuất phạm vi đối tượng khác cụ thể;
- Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và Tổ xác minh; cân nhắc cần bổ sung cơ quan thuế là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập;
- Về 02 phương án công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo dự thảo Luật: phương án công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc và phương án công khai tại cuộc họp chi bộ đối với bản kê khai của công chức là đảng viên; công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người dự kiến được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn, người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Về 02 phương án được Chính phủ xin ý kiến về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán: phương án quy định cụ thể trong dự thảo Luật khi hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra và phương án không quy định cụ thể trong dự thảo Luật mà thực hiện theo Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước và Bộ luật tố tụng Hình sự;
- Về phòng ngừa tham nhũng: kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng chế độ liêm chính trong phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý tài sản tham nhũng, bảo đảm thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng;
- Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình hai kỳ họp hay ba kỳ họp Quốc hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo giải trình, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.
Từ 15 giờ 50 đến 17 giờ 00, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 03 nội dung.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng:
1. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Điều 17, Điều 26 và toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
2. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết; Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
3. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua các Điều 6, Điều 7 và toàn văn Luật Thủy sản (sửa đổi).
Thứ tư, ngày 22-11-2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.