THÔNG CÁO SỐ 19, KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV

14/11/2018 18:21

Ngày 14/11/2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội đã nghe Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019;...

 

Buổi sáng

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội đã nghe: i) Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; ii) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; iii) Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Trong quá trình thảo luận, đã có 10 đại biểu phát biểu ý kiến. Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo; đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân; tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và những giải pháp được đề cập trong các báo cáo; đồng thời có những phân tích, đánh giá và kiến nghị làm sâu sắc, cụ thể thêm về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2018 và đưa ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.  Bên cạnh đó, các ĐBQH còn tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, đó là: việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế xã hội; trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo; về thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp dân ở địa phương; về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ và địa phương; xử lý khiếu nại sai, tố cáo sai; xây dựng CSDL quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v.

Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện và  báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới.

Buổi chiều

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với 438 đại biểu tán thành, chiếm 90,31% tổng số đại biểu Quốc hội.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kiến trúc. Trong quá trình thảo luận, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc và các nội dung được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, đây là một dự thảo luật khó, mang tính chuyên ngành sâu, cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý Nhà nước với sự sáng tạo nghệ thuật của hoạt động kiến trúc. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật, như: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc hoạt động kiến trúc; Quy chế và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc; chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam; chính sách Nhà nước về kiến trúc; thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; chứng chỉ hành nghề và đạo đức hành nghề kiến trúc sư; việc hành nghề kiến trúc tại Việt Nam của người nước ngoài; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, nông thôn, khu phố cổ Hội đồng Kiến trúc Quốc gia; những hành vi bị cấm; dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc.v.v.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật.

Thứ năm, ngày 15/11/2018, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội