Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, ngày 19/11/2019
Buổi sáng,
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tại phiên thảo luận đã có 27 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo lập khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư, đồng thời khắc phục hạn chế, vướng mắc, thu hút các nguồn lực xã hội phát triển đất nước. Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật; cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu; lĩnh vực, quy mô đầu tư dự án PPP; về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; Hội đồng thẩm định dự án PPP; về lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án PPP; thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; về phân loại hợp đồng PPP; về nguồn vốn thực hiện dự án PPP; về bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng; về dự án BT; về cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan ký kết hợp đồng; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát dự án; về định mức, đơn giá, giá thành công trình; về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; về mối quan hệ giữa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các luật hiện hành (như quy định về hành vi bị cấm, chế tài xử lý vi phạm phải phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Đấu thầu; việc giải quyết tranh chấp cần quy định phù hợp với Luật Đầu tư; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan phải thống nhất, không chồng chéo với các luật khác); về việc lấy ý kiến cộng đồng và công bố thông tin dự án PPP; tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư dự án với người sử dụng dự án; về tính khả thi của Luật…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Buổi chiều,
Quốc hội họp phiên toàn thể ở Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội nghe Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về hai dự án Luật nêu trên.
- Về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật và cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật, như: phạm vi sửa đổi dự án Luật; kinh phí, lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; về việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; …
- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, thảo luận tại Tổ, các đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 20/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Về tên gọi, quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi của dự án Luật; tổ chức giám định tư pháp công lập; quy định tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp; về thời hạn giám định; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước và nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; về kinh phí giám định; về áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra;…
Thứ tư, ngày 20/11/2019,
Buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội./.