Thông cáo Phiên họp thứ mười lăm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII

28/12/2008

Từ ngày 23 đến 27 tháng 12 năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 15 tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 5 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật lý lịch tư pháp; Luật quy hoạch đô thị; Luật bồi thường nhà nước; Luật quản lý nợ công trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII vừa qua.

- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự: Phạm vi sửa đổi; trách nhiệm hình sự pháp nhân; phạm vi áp dụng hình phạt tử hình ở các tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng quốc gia, phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược, tội đầu hàng địch; nâng mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự; bổ sung quy định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù và một số vấn đề liên quan đến tội đầu cơ, trốn thuế, gian lận thuế…

- Dự án Luật lý lịch tư pháp: Phạm vi, tổ chức quản lý lý lịch tư pháp; quy định cập nhật thông tin trong trường hợp đương nhiên được xoá án tích và điều khoản chuyển tiếp.

- Dự án Luật quy hoạch đô thị: Tiêu chí và việc phân loại đô thị; Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch; thời hạn quy hoạch đô thị; thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị; quản lý xây dựng không gian ngầm…

- Dự án Luật bồi thường nhà nước: Phạm vi điều chỉnh; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, trường hợp không hành động mà gây thiệt hại; trách nhiệm bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước và mức bồi thường thiệt hại.

- Dự án Luật quản lý nợ công: Phạm vi điều chỉnh của Luật; thủ tục ký kết và phê duyệt các thoả thuận vay nợ; phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công; trường hợp đặc biệt được Thủ tướng quyết định cho vay vốn; vay nước ngoài của chính quyền địa phương…

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 Pháp lệnh dân số

- Dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án: Các quy định về án phí, lệ phí còn nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau như: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phá sản, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Nghị định của Chính phủ… Mức án phí, lệ phí quy định ở một số văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành đã có những quy định mới về án phí, lệ phí. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh nhằm bổ sung các loại phí, lệ phí mới; đảm bảo việc quyết định về án phí, lệ phí Toà án phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh để thông qua tại một phiên họp sau.

- Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 Pháp lệnh dân số: Pháp lệnh dân số năm 2003 là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực dân số; góp phần điều chỉnh toàn diện vấn đề dân số; đáp ứng được mục tiêu quản lý nhà nước về dân số, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên, do hiểu và hướng dẫn Điều 10 của Pháp lệnh chưa thống nhất và kịp thời nên công tác quản lý về dân số gặp khó khăn… Tình trạng sinh con thứ ba tăng nhanh đòi hỏi sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ của pháp luật; tiếp tục kiểm soát quy mô dân số, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh một hoặc hai con. Sau khi cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh này.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội:

Trọng tâm công tác xây dựng pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội là chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011) và đảm bảo tiến độ của Chương trình; chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua các luật và cho ý kiến các dự án luật; ưu tiên cho các dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5; xem xét, thông qua các pháp lệnh và tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án tại kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo triển khai Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy trình xây dựng, thông qua luật, pháp lệnh…

Công tác giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009; triển khai thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghe Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban báo cáo kết quả giám sát chuyên đề.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng; công tác đối ngoại, dân nguyện và thực hiện một số công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao...

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2009 của các cơ quan của Quốc hội.

Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2009 có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp và thúc đẩy quan hệ chính trị-kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội sẽ tiếp tục được triển khai chủ động theo kế hoạch, đảm bảo duy trì các mối quan hệ hợp tác và sự tham gia liên tục của Quốc hội Việt Nam tại các tổ chức liên nghị viện, đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội: Trong thời gian qua, với việc thực hiện 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, đến nay lạm phát đã được kiềm chế, các yêu cầu đặt ra đã thực hiện có kết quả. Tuy nhiên, từ tháng 10-2008, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dẫn đến suy thoái ở một số quốc gia tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế nước ta. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành một số giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra như: thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, các giải pháp về tài chính, tiền tệ; đồng thời yêu cầu Chính phủ có giải pháp hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả đầu tư công; giảm lãi suất; bảo lãnh tín dụng và bù lãi suất; giảm, giãn tiến độ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các giải pháp hữu hiệu khác…

6. Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành một số nội dung sau:

- Xem xét, cho ý kiến về danh sách các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;

- Xem xét, quyết định danh sách Toà án cấp huyện được tăng thẩm quyền về dân sự, hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự.

 

(Văn phòng Quốc hội)