Thông cáo Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII

28/09/2007

Từ ngày 19 đến 27 tháng 9 năm 2007, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp phiên thứ hai tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII.

Trên cơ sở Tờ trình của Văn phòng Quốc hội và tình hình thực tế, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy các công việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII đã cơ bản hoàn thành. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp, khai mạc vào ngày 22 tháng 10 năm 2007 tại Hà Nội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn tất việc chuẩn bị để đảm bảo cho kỳ họp thành công.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII (2007-2011) và năm 2008; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008

- Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII (2007-2011) và năm 2008: Chương trình luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII và năm 2008 được xây dựng trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi có tính đến thứ tự ưu tiên đối với các dự án liên quan đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008: Dự kiến Chương trình giám sát sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo sự cân đối giữa các lĩnh vực được giám sát ở những năm trước.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp với các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiến hành hoạt động giám sát có hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 7 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII. Đó là các dự án: Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật tương trợ tư pháp; Luật hoá chất và Luật đặc xá.

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII. Đó là các dự án: Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật năng lượng nguyên tử; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

- Về dự án Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản: Việc ban hành Luật này nhằm cụ thể hoá Điều 23 của Hiến pháp 1992 và pháp điển hoá những quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, tạo khung pháp lý cho người có thẩm quyền quyết định những vấn đề về trưng mua, trưng dụng tài sản. Đồng thời, thể hiện chính sách của Nhà nước ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, của cá nhân, tổ chức có tài sản hợp pháp ở Việt Nam.

- Về dự án Luật năng lượng nguyên tử: Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng với sự gia tăng dân số như hiện nay, thế giới sẽ phải đối mặt với những nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Việc ban hành Luật này nhằm tạo khung pháp lý và đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng năng lượng nguyên tử; tăng cường trách nhiệm cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng năng lượng nguyên tử.

- Về dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước: Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng để thiết lập hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tuy nhiên các quy định của hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; công tác quản lý và sử dụng tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Việc ban hành Luật này nhằm góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài sản của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù

   Pháp lệnh thi hành án phạt tù được ban hành năm 1993 là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về thi hành án phạt tù. Tuy nhiên, qua 14 năm thực hiện, hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới thi hành án phạt tù cũng như tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều thay đổi, bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh năm 1993 nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của Pháp lệnh; góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án phạt tù trong tình hình hiện nay.

6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện một số biện pháp xử lý hành chính; việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí

- Về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện một số biện pháp xử lý hành chính: Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2007, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Về cơ bản, các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và các trung tâm chữa bệnh của các tỉnh, thành phố được giám sát đã chấp hành nghiêm chỉnh biện pháp xử lý hành chính này. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí khám chữa bệnh cho những đối tượng này còn nhiều khó khăn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành chưa kịp thời. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao và nhất trí với kết quả của Báo cáo giám sát.

- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí: Trên cơ sở Pháp lệnh phí, lệ phí, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành tương đối đồng bộ; cơ chế quản lý phí, lệ phí đã phần nào phù hợp với thông lệ quốc tế; công tác tổ chức, quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí cơ bản được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, việc tổ chức ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm; danh mục phí, lệ phí chưa bao quát hết những khoản phí phát sinh, mức thu chưa phù hợp với thực tế; quy định quản lý, sử dụng số thu từ phí, lệ phí còn thiếu nhất quán; công tác kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên, chặt chẽ… Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng có cơ chế và quy định phù hợp; xác định đúng chủ thể được giao nhiệm vụ thu đối với từng loại phí, lệ phí; tiếp tục nghiên cứu việc phân cấp đi đôi với thanh tra, kiểm tra, xử lý để đảm bảo việc thực hiện thu phí, lệ phí đúng pháp luật.

7. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi hợp nhất và đi vào hoạt động, hai cơ quan này sẽ kết hợp được nhiều mặt mạnh, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, các điều kiện vật chất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc hợp nhất hai Văn phòng trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với quá trình cải cách hành chính, thu gọn đầu mối các cơ quan, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác.

8. Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành các nội dung sau:

- Thông qua Nghị quyết về biểu khung thuế xuất khẩu, biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi;

- Thông qua Nghị quyết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng;

- Xem xét, quyết định việc giao thẩm quyền xét xử mới về hình sự, dân sự cho các toà án nhân dân cấp huyện;

- Cho ý kiến về việc gia nhập Công ước quốc tế về chống bắt con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về trừng trị việc khủng bố bằng bom năm 1997;

- Nghe Báo cáo kết quả kỳ họp lần thứ 28 Đại Hội đồng liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).

Kết thúc phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe thông báo bước đầu về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trường thi công cầu Cần Thơ sáng ngày 26-7-2007. Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và đề nghị các ngành, các cấp bằng mọi biện pháp khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ các gia đình có người mất và bị thương; vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ các gia đình bị nạn; nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống. Các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các đại biểu dự phiên họp và toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên Văn phòng Quốc hội đã quyên góp ủng hộ các gia đình nạn nhân.

(Văn phòng Quốc hội)