Từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 5 năm 2010, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 31 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII:
1. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đánh giá của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và tình hình thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội. Đồng thời, hoan nghênh, đánh giá cao công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan và cử tri trong cả nước, góp phần để kỳ họp tiến hành theo dự kiến, đảm bảo cơ bản yêu cầu đề ra. Những nội dung quan trọng tại kỳ họp đều đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong đó phần lớn nội dung đã có tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 3 dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính.
3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2009, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010.
Năm 2009, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội gặp rất nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng nhờ sự chủ động, sáng tạo, sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, đã sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình kinh tế-xã hội các tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; thị trường trong nước phát triển tốt; đầu tư phát triển được đẩy mạnh; du lịch quốc tế tăng; an sinh xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn tiềm ẩn những thách thức như: lạm phát; bội chi ngân sách cao; nhập siêu tăng; việc làm và đời sống nhân dân nhiều vùng còn khó khăn... Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh các Báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XII.
4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII và năm 2010
- Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2011: Theo đề nghị của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và đại biểu Quốc hội thì tổng số dự án luật, pháp lệnh được đề nghị là 36 dự án (22 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình chính thức và 13 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị), trong đó, có 3 dự án luật chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII. Thời gian qua, việc lập Chương trình chưa sát với thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu của thực tiễn nên tính khả thi không cao, các dự án đã đưa vào Chương trình phải rút ra khá nhiều. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Bộ tư pháp phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cùng rà soát tất cả các nội dung và báo cáo lại Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
- Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII và năm 2010: Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành việc rút các dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin, Luật công đoàn (sửa đổi), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; đồng thời đồng ý với một số điều chỉnh các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Nghị quyết này được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 9, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, qua gần 4 năm thực hiện, một số nội dung của Nghị quyết đã phát sinh nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình phát triển của đất nước ta hiện nay. Do đó, việc sửa đổi Nghị quyết là cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp hơn với thực tế, với chủ trương cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hữu quan; đồng thời, tranh thủ các cơ hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.
6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Qua hơn một năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan hữu quan và Thành phố Hà Nội triển khai xây dựng Đồ án này. Việc quy hoạch nhằm định hướng không gian đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, các giải pháp quy hoạch giao thông, điện, cấp thoát nước, sử dụng đất và bảo tồn di sản của Hà Nội trong tương lai. Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành việc cần xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm với bề dày lịch sử, có bản sắc văn hoá, mang truyền thống cách mạng ở vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của khu vực; đề nghị tiếp tục chuẩn bị Đồ án đáp ứng yêu cầu trên, phù hợp với quá trình phát triển của đất nước…
7. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ bảy.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh Ban dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nói riêng và các cơ quan hữu quan nói chung đã xây dựng dự thảo Báo cáo công phu, với tinh thần trách nhiệm cao. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao và đề nghị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, cần nghiêm túc xem xét nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tạo niềm tin của nhân dân, cử tri cả nước...
Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung trình Quốc hội