Từ ngày 27 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 năm 2010, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 35 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù năm 2010, nước ta gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, nước ta đã đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội, nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy giảm kinh tế, đang từng bước phục hồi, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế và vai trò của nước ta trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp; một số chỉ tiêu về xã hội chưa đạt yêu cầu; các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; các chính sách điều hành, quản lý thị trường giá cả, điều hòa sản xuất, phân phối trong một số ngành, lĩnh vực chưa tốt; một số vấn đề xã hội bức xúc và môi trường chậm được giải quyết; ...
Năm 2011, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa hết tác động đến nhiều nước, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi, nhưng chưa vững chắc, tiềm ẩn không ít nguy cơ, bất ổn. Chính phủ, các ngành, các cấp cần tập trung điều hành để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 khoảng 7% là phù hợp với mục tiêu tổng quát nêu trong Báo cáo của Chính phủ và điều kiện thực tiễn hiện nay. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh các Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám (10-2010).
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp, gồm các dự án: Luật thanh tra (sửa đổi); Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật viên chức; Luật khoáng sản (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính; 2 dự án luật dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp, gồm các dự án: Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật lưu trữ. Đến nay, các dự án luật, dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đủ điều kiện để trình Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật, nghị quyết đảm bảo chất lượng gửi đại biểu Quốc hội theo quy định và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo:
- Các báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010.
- Báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010.
- Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ bảy đến kỳ họp thứ tám.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan cùng với các cơ quan của Quốc hội tích cực khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011: Trên cơ sở Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, thực hiện quy định của Luật hoạt động giám sát và các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011 và trình Quốc hội xem xét, thông qua chương trình giám sát năm 2011. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và chuẩn bị báo cáo có chất lượng của Đoàn giám sát. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội tiến hành giám sát tại kỳ họp thứ tám sắp tới.
6. Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31).
Đại hội đồng AIPA-31 đã diễn ra tại Hà Nội, được đánh giá chung là thành công tốt đẹp về các phương diện nội dung, tổ chức, lễ tân và hậu cần, an ninh, tạo được những ấn tượng tốt với bạn bè về tinh thần trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam đối với AIPA và quá trình liên kết của khu vực. Đại hội đồng AIPA-31 đã thông qua 22 nghị quyết về những vấn đề quan trọng như an ninh chính trị, hợp tác kinh tế, văn hóa- xã hội, hoạt động của nữ nghị sĩ và tổ chức AIPA, đạt được sự đồng thuận cao về các vấn đề đã được nêu ra, thể hiện trong thông cáo chung của Đại hội. Với việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-31, Quốc hội Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm của mình trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhiệm kỳ 2009-2010; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với AIPA và những nỗ lực của Việt Nam hội nhập vào khu vực.
7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho một số ngành đặc thù và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.