Thông cáo phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội XIII

02/10/2014

Từ ngày 22 tháng 9 đến ngày 02 tháng 10 năm 2014, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 31 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 9 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và 5 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, gồm: Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh tờ trình, báo cáo, dự thảo các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tích cực khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.     

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

   Triển khai thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị dự thảo Báo cáo công phu và cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của Báo cáo. Tuy nhiên, cho rằng báo cáo cần bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung của chuyên đề và làm rõ những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc đó để đề xuất nhiệm vụ cụ thể từ nay đến 2015. Đề nghị chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, tập trung cho mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.    

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý tại phiên họp trước và việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu khá công phu của Chính phủ; đồng thời, cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm mới của Đảng về giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển giáo dục hiện nay của đất nước, phù hợp với Hiến pháp mới ban hành. Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về: cơ cấu giáo dục phổ thông; chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất; định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa; các nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý và cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường; kinh phí thưc hiện Đề án; lộ trình triển khai thực hiện; … và đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định yêu cầu, mục tiêu cụ thể hơn và trách nhiệm cơ quan thực hiện rõ ràng hơn để Nghị quyết sau khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống. Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành:

-  Đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: phiên chất vấn đã có 17 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vươngtham gia giải trình làm rõ thêm nhóm vấn đề sau: Trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tiến độ thực hiện quy hoạch đất đai, kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; thực trạng sử dụng đất lúa nông nghiệp và chủ trương triển khai chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.

- Đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: phiên chất vấn đã có 19 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời, làm rõ nhóm vấn đề sau: Việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; kết quả xử lý nợ xấu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua; việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015.

Phiên chất vấn đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, được phát thanh, truyền hình trực tiếp, kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu ra nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường, khoáng sản và điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian tới.

5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Công ước chống tra tấn. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

(Văn phòng Quốc hội)