ĐBQH K’sor Phước (Gia Lai): Luật không được vượt qua Hiến pháp, nhưng không phải là bê nguyên xi câu chữ của Hiến pháp

04/06/2014

Sửa đổi Luật Tổ chức QH phải xuất phát từ ĐBQH. Hiến pháp, từ Điều 79 đến Điều 85, đã quy định 12-13 nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH. Vì vậy, Luật Tổ chức QH đầu tiên phải xem ĐBQH được quyền hạn gì, phải thực hiện nhiệm vụ gì? Nếu xác định xong vai trò, vị trí của ĐBQH trong tổ chức của QH thì tất cả các quyền phải được thể hiện như thế nào? Phải thể hiện ở cả ba chức năng quan trọng nhất của QH là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cho nên, sửa Luật Tổ chức QH phải đối chiếu với Hiến pháp vừa được thông qua. Luật này không được vượt qua Hiến pháp, nhưng không phải là bê nguyên xi câu chữ của Hiến pháp vào Luật mà ở đây là cụ thể hóa từng điều Hiến pháp đã quy định cho ĐBQH. Vấn đề chính của Luật là ở chỗ này.

Các tổ chức của QH, thuộc QH thì quy định trong Luật này như thế nào? Về tổ chức của QH, ta có Chủ tịch QH là người điều hành các hoạt động của QH. Khác với thiết chế thủ trưởng của cơ quan Nhà nước khác, Chủ tịch QH điều hành các phiên họp, hội nghị của QH. Tất cả các quyết định của QH đều phải thông qua các phiên họp, hội nghị mới có ý nghĩa và giá trị pháp luật. Cho nên trong tổ chức của QH thì vai trò quan trọng nhất của Chủ tịch QH là điều hành các phiên họp, hội nghị của QH và ký chứng thực các Nghị quyết của QH. Tiếp đến là UBTVQH, cơ quan thường trực của QH, thay mặt QH xử lý những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của QH giữa hai kỳ họp của QH. Tôi đề nghị với vị trí, vai trò như vậy, nhưng UBTVQH không được quyền vượt QH, tức là không được quyền ban hành luật. Nếu QH ủy quyền cho UBTVQH xử lý những vấn đề thuộc phạm vi của QH giữa 2 kỳ họp thì cũng phải là những quyền có giới hạn.

Về vai trò của Đoàn ĐBQH, theo tôi phải xuất phát từ mong muốn của cử tri chứ không nên xuất phát từ ĐBQH hay do UBTVQH. Cử tri bầu ra một đơn vị gồm nhiều ĐBQH ứng cử trên địa bàn nhưng lại không có một quyền cụ thể gì để đại diện cho cử tri nơi ĐBQH ứng cử mà chỉ đại diện cho cử tri cả nước. Đề nghị Đoàn ĐBQH phải có một tư cách cụ thể và văn bản của Đoàn ĐBQH phải có giá trị bắt buộc các cơ quan của Nhà nước giải trình, giải đáp, giải quyết trong thời hạn bao lâu. Và nếu không giải quyết hoặc giải quyết trái luật thì Đoàn ĐBQH có quyền tổ chức giám sát và có quyền gửi văn bản giám sát lên UBTVQH yêu cầu đưa ra QH để xử lý. Như vậy tính đấu tranh mới cao, trách nhiệm với cử tri và nhân dân của Đoàn ĐBQH mới rõ ràng. Cho nên phải xuất phát từ mong muốn của cử tri đối với QH, ĐBQH để quy định về nội dung này. Ở đây không hoàn toàn là vấn đề uy quyền mà là quyền lực của nhân dân trao cho QH, ĐBQH. Quyền lực của nhân dân không phải lúc nào cũng đủ 500 ĐBQH họp mà ĐBQH ở địa phương cũng cần có một giới hạn, phạm vi nhất định để ĐBQH có trách nhiệm cao hơn với nhân dân, với địa phương đó.

ĐBQH K’sor Phước - Gia Lai