ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh - TP Hồ Chí Minh: Luật cần tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện

04/06/2014

Về ngạch thẩm phán. Nếu luật hiện hành chia ra thành thẩm phán tối cao, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp. Tôi cho rằng như vậy là bất hợp lý, bởi vì xin nhắc lại quá khứ, Hội đồng nhân dân bầu ra thẩm phán được gọi là thẩm phán tòa án nhân dân huyện A cụ thể, hoặc thẩm phán nhân dân tỉnh A cụ thể, không gọi là thẩm phán cấp huyện hoặc thẩm phán cấp tỉnh.

Hoặc khi Chủ tịch nước bổ nhiệm cũng bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân huyện A hoặc thẩm phán tòa án nhân dân tỉnh A cụ thể, không ghi là cấp huyện và cấp tỉnh. Từ đó gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, công tác tổ chức, không thể điều chuyển thẩm phán từ huyện này qua huyện khác để xét xử hoặc từ tỉnh này qua tỉnh khác xét xử được. Cho đến khi giao về cho Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm thẩm phán thì phân ra thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp, việc khó khăn trên đã được khắc phục một phần, song còn nhiều bất cập vì số lượng mỗi ngạch thẩm phán trung cấp hoặc thẩm phán sơ cấp đều có quy định cụ thể theo biên chế được Quốc hội phê chuẩn, cho nên có thẩm phán sơ cấp đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán trung cấp nhưng do vướng biên chế nên không thể bổ nhiệm được. Mặt khác phân định ra chức danh thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp tạo ra sự hiểu lầm, sai về trình độ, năng lực của thẩm phán, ảnh hưởng đến lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân đối với các thẩm phán, dẫn đến tâm lý chống án lên cấp trên để giải quyết đúng đắn hơn.

Mặt khác, từ thực tiễn cho thấy có những thẩm phán ở cấp huyện 30 năm nay từ khi thẩm quyền xét xử chỉ đến 2 năm tù, đến khi được tăng thẩm quyền lên 7 năm tù và bây giờ là 15 năm tù, nhưng ngạch lương và mọi quyền lợi khác vẫn không thay đổi, sự bất cập chênh lệch mức lương giữa Thẩm phán tối cao, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp là quá lớn, trong khi việc của cấp tỉnh ngày càng giao về cho cấp huyện giải quyết. Hiện nay tòa án cấp huyện đã có thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại án, số lượng án của cấp tỉnh đã giảm đáng kể nhưng mức lương của thẩm phán huyện vẫn không thay đổi, thật bất hợp lý. Do vậy, tôi đề nghị ngạch thẩm phán chỉ có thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thẩm phán mà thôi, vì Hiến pháp cũng quy định Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi có sự phê chuẩn của Quốc hội, còn thẩm phán khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm mà không phân định thẩm phán trung cấp hay thẩm phán sơ cấp.

Mặt khác, thẩm phán ở cấp nào cũng nhân danh nhà nước, làm nhiệm vụ là ra những sản phẩm đều là những bản án và khi bản án có hiệu lực pháp luật thì mọi nơi, mọi cấp, mọi cơ quan, mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành. Ngoài ra, còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức của tòa án trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về quy hoạch cán bộ, luân chuyển, điều động cán bộ.

Thưa Quốc hội, qua các cuộc hội thảo góp ý kiến các luật tổ chức sửa đổi, nhiều chuyên gia ngoài ngành tòa án, nhiều nhà khoa học, nhiều luật gia cũng đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo là chỉ phân định hai cấp Thẩm phán tối cao và Thẩm phán chung. Theo kinh nghiệm của đại đa số các nước trên thế giới cũng chỉ phân định hai ngạch trên.

Về chế định Hội thẩm nhân dân, đề nghị thừa kế quy định tại Khoản 2, Điều 32 của Pháp lệnh thẩm phán và Hội thẩm nhân dân giao cho Tòa án nhân dân quản lý hội thẩm.

 

ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh - TP Hồ Chí Minh