ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng: Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào Tòa thì Công lý sẽ cắp cặp ra đi

09/06/2014

Tôi rất đồng tình việc cần thiết phải mở rộng một số thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát tối cao.

Thứ nhất, ở nước ta từ khi Viện kiểm sát được thành lập năm 1960 đến nay, pháp luật luôn quy định trong tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân tối cao có cơ quan điều tra, trước đây gọi là vụ điều tra thẩm cứu, được Sắc lệnh số 12 ngày 18.4.1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Từ năm 1989 đến nay, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Quy định này đã kế thừa luật cũ và xuất phát từ bản chất, chức năng công tố của viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự. Viện kiểm sát được giao trách nhiệm thực hành quyền công tố, quyết định việc truy tố, thực hiện việc buộc tội đối với người phạm tội trước tòa, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều được xử lý kịp thời. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt người phạm tội và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Xét trên phương diện lý luận, hoạt động điều tra của cơ quan điều tra cũng là để phục vụ cho chức năng công tố, giúp cho cơ quan thực hành quyền công tố đưa vụ án ra tòa và buộc người phạm tội trước tòa án.

Thứ hai, xuất phát từ chức năng hiến định của viện kiểm sát trong hoạt động tư pháp, thông qua việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia vào tất cả các giai đoạn của tố tụng tư pháp để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các chủ thể khác tham gia hoạt động tố tụng tư pháp. Do đó, Viện kiểm sát có đủ điều kiện để phát hiện, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các hành vi phạm tội và xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, QH giao thẩm quyền cho viện kiểm sát có quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là hoàn toàn đúng đắn.

Thứ ba, xuất phát từ tính chất đặc thù của các loại hoạt động tư pháp, tội phạm tư pháp mà chủ thể đặc biệt đó là cán bộ các cơ quan tư pháp có sự hiểu biết về pháp luật cao. Điều này lý giải tại sao số lượng các vụ án viện kiểm sát điều tra có mức độ, điều tra của viện kiểm sát khởi tố điều tra ít hơn các loại tội phạm khác. Vì vậy, việc duy trì cơ quan điều tra của viện kiểm sát với tư cách là một cơ quan điều tra chuyên trách, độc lập, để phát hiện, điều tra, xử lý khách quan và phòng ngừa có hiệu quả đối với các tội phạm này là cần thiết.

Về Viện Kiểm sát khu vực, ở đây như chúng ta đã biết, hiện đang có một số ý kiến cho rằng, nếu thành lập các cơ quan tư pháp khu vực thì sẽ có tính độc lập. Cá nhân tôi thấy, hiện nay các cơ quan tư pháp có thể bị chi phối bởi ba vấn đề: một là chính trị, hai là tiền bạc, ba là tình cảm. Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì Công lý sẽ cắp cặp ra đi. Vì thế, nếu nói thành lập tòa án khu vực để không có sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc của cơ quan tư pháp là chưa chắc chắn. Tôi cho rằng, việc yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy. Nếu cán bộ của chúng ta bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì xảy ra oan và sai. Không phải do tổ chức nhập cơ quan này với cơ quan khác thì tốt, không phải cộng vào tự nhiên nó tốt lên, mà cái chính yếu nhất là đội ngũ cán bộ. Phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, để cán bộ có trái tim đầy nhiệt huyết, nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch thì mới làm cho cán cân công lý và công bằng xã hội được thực hiện.

 

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền

Các bài viết khác