ĐBQH Giàng Thị Bình - Lào Cai: Nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến lãng phí về trụ sở làm việc, phình to bộ máy tổ chức, trong khi yêu cầu hiện nay là cần tinh gọn bộ máy, đơn giản về thủ tục hành chính

09/06/2014

Tại Kỳ họp này, QH xem xét, cho ý kiến hai dự án: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Hai dự án Luật này đã cơ bản được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hai dự thảo Luật, tôi thấy, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã phân định rõ mô hình Tòa án nhân dân khu vực và nhiều ý kiến ủng hộ phương án này. Trong khi đó, đối với dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) thì đa số ý kiến lại không đồng tình với phương án thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

Tôi đề nghị, cần làm rõ mô hình Viện kiểm sát nhân dân khu vực cụ thể như thế nào? Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác với Viện kiểm sát nhân dân huyện như thế nào? Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ có ưu điểm, nhược điểm gì và sẽ có những khó khăn bất cập gì về tổ chức bộ máy, về trụ sở làm việc và có tác động như thế nào đối với người dân so với khi áp dụng mô hình Viện kiểm sát nhân dân huyện? Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc, nếu thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực có phù hợp với tất cả các địa bàn dân cư trên cả nước hay không? Với hệ thống cơ sở vật chất và bộ máy tổ chức như hiện nay của ngành kiểm sát, việc thành lập Viện kiểm sát khu vực sẽ cơ cấu lại cơ sở vật chất hiện có và tổ chức bộ máy sẽ thực hiện như thế nào? Theo tôi, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến lãng phí về trụ sở làm việc, phình to bộ máy tổ chức, trong khi yêu cầu của xã hội hiện nay là cần tinh gọn bộ máy, đơn giản về thủ tục hành chính.

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: cùng với việc đổi mới tổ chức của các cơ quan tư pháp, cần phải hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp; tăng cường hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp. Như vậy, việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân khu vực sẽ liên quan đến các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, trước hết là hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Nghị quyết 49 đã được Bộ Chính trị thông qua từ năm 2005. Nhưng sau 9 năm nghiên cứu, đến nay vẫn chưa đưa ra được mô hình khu vực một cách cụ thể cho tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng. Với thời gian dài như vậy và với một mô hình hoàn toàn mới, nhưng chưa có thí điểm, rút kinh nghiệm để chọn ra mô hình thích hợp nhất với điều kiện của nước ta, từ đó có sự cải cách toàn diện, đồng bộ đối với cơ quan tiến hành tố tụng và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị. Do vậy, tôi thấy băn khoăn về tính khả thi của dự luật này. Đề nghị cân nhắc nghiên cứu kỹ ý kiến của các chuyên gia, ý kiến của các ĐBQH về việc thành lập Viện kiểm sát khu vực, Tòa án sơ thẩm khu vực, có sự phân tích đánh giá kỹ càng hơn nữa tác động của dự án Luật để ĐBQH có thêm căn cứ lựa chọn mô hình Viện kiểm sát nhân dân huyện hay Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

Trường hợp vẫn quyết định theo hướng thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân khu vực, tôi đề nghị xem xét nên bố trí Viện kiểm sát nhân dân khu vực song song với Tòa án nhân dân khu vực ở các địa bàn phát triển, giao thông đi lại thuận lợi, còn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thì trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân khu vực vẫn giữ nguyên như hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho dân.

ĐBQH Giàng Thị Bình

Các bài viết khác