Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề vẫn chưa có quy định chặt chẽ về quản lý Nhà nước đối với chất lượng, hiệu quả dạy nghề của các cơ sở dạy nghề; còn buông lỏng với việc quy định cho các cơ sở dạy nghề được tuyển người học nghề một cách tự do; không có quy định để quản lý nghề được dạy đó có phù hợp với nhu cầu xã hội hay không, người học nghề sau khi học nghề có được việc làm hay không? Dự thảo Luật đã né hẳn việc quy định về cam kết bảo đảm chất lượng dạy nghề của các cơ sở dạy nghề, cam kết việc dạy nghề cho người học sau khi học nghề có được việc làm. Tôi đề nghị, nên gắn trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc quản lý chất lượng hiệu quả dạy nghề của các cơ sở dạy nghề ở mỗi địa phương. Cần quy định UBND tỉnh tổ chức xác định nhu cầu ngành, nghề của địa phương phù hợp theo từng giai đoạn phát triển KT - XH của địa phương.
Về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động dạy nghề, tôi nhận thấy, Nhà nước còn bao cấp quá nhiều cho cơ sở dạy nghề. Không biết cơ quan soạn thảo dựa trên cơ sở nào để đưa ra nhiều vấn đề Nhà nước phải chi tiêu ngân sách cho hoạt động dạy nghề như thế? Khoản 1, Điều 7 quy định chính sách của Nhà nước phát triển hệ thống dạy nghề mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế liên thông giữa các trình độ dạy nghề và với trình độ đào tạo khác. Khoản 5, Điều 7 quy định Nhà nước hỗ trợ các đối tượng lao động ở nông thôn, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và đối tượng chính sách xã hội khác, nhằm tạo cơ hội cho họ được học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập nghiệp. Điều 54 quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề phát triển các nghề đáp ứng nhu cầu người học, của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ sở dạy nghề có tỷ lệ người học là nữ từ 50% trở lên. Khoản 5, khoản 6, Điều 65 quy định người học nghề là phụ nữ, lao động nông thôn khi học nghề ở trình độ sơ cấp và các chương trình dạy nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, người học tốt nghiệp trung học phổ thông vào học cao đẳng nghề giảm 50% học phí...
Tôi thấy đối tượng được quy định như dự thảo Luật còn quá chung, quá rộng, bao cấp của Nhà nước còn quá lớn. Nếu tính trên phạm vi cả nước, không biết số lượng này lên đến bao nhiêu? Ngân sách Nhà nước phải chi trả như thế nào? Có thực hiện được hay không? Tôi đề nghị cần phải đưa ra các quy định phù hợp hơn, đừng quy định theo kiểu cứ đưa vào luật, còn làm được hay không cũng không sao. Quy định như vậy là làm giảm hiệu lực pháp lý của luật.