ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh- TP Hà Nội: Đề nghị Quốc hội quan tâm bổ sung nội dung giám sát, thực hiện pháp luật về công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

10/06/2014

Tôi tán thành với quan điểm và 5 tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát của Quốc hội năm 2015 là những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội và cử tri và nhân dân quan tâm, không trùng với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian gần đây, gắn với công tác xây dựng pháp luật và những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng, liên quan đến năm 2015 v.v...

Tôi tán thành với dự kiến chuyên đề Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát là việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 và 2014. Đây là nội dung giám sát cần thiết để góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, chấn chỉnh thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này và đang bức xúc ở nhiều địa phương cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm bổ sung nội dung giám sát, thực hiện pháp luật về công nghệ thông tin và giao dịch điện tử trong cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan, tổ chức và công dân, với những lý do cụ thể như sau:

Cải cách thủ tục hành chính đang là đỏi hỏi rất bức thiết của nền hành chính quốc gia. Các Báo cáo thống kê cho thấy hơn 30% doanh nghiệp không thấy bất kỳ một thay đổi đáng kể nào trong cải cách hành chính hiện nay. Doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, 38% doanh nghiệp không đồng ý với nhận định thủ tục giấy tờ đã đơn giản hơn, 41% doanh nghiệp dân doanh khẳng định tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp khá phổ biến. Có thể nói ách tắc trong thủ tục hành chính vừa cản trở người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cản trở sự đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, vừa gây tác hại trong quản lý điều hành nền hành chính nhà nước, gây mất niềm tin của nhân dân, vừa gây thất thoát, lãng phí, sử dụng không hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia. Vì vậy, thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng hiện nay là tập trung cải cách thể chế hành chính. Trong 300 vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ vừa qua có rất nhiều nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực tiễn, xem xét các Báo cáo trình Quốc hội những ngày vừa qua cũng cho thấy những bức xúc của nhiều đại biểu Quốc hội từ sự chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản luật, văn bản dưới luật trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế, về doanh nghiệp hoặc sự chồng lấn, phức tạp của dự thảo Luật căn cước và Luật hộ tịch.

Như chúng ta đã thấy thực trạng trên đây có nguyên nhân từ sự thiếu phối hợp đồng bộ, thiếu kết nối thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước. Trong khi đó Luật công nghệ thông tin năm 2006 và Luật giao dịch điện tử năm 2005 đã được quy định Khóa XI thông qua dường như chưa được tất cả các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và thực hiện trong hoạt động quản lý nhà nước.

Quyết định số 896 của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/6/2013 phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 cũng chỉ căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ mà không căn cứ vào Luật công nghệ thông tin và Luật giao dịch điện tử. Vì vậy, những bất cập trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp còn khó khăn.

Để sớm khắc phục vấn đề này, tôi đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm giám sát thực hiện pháp luật về công nghệ thông tin và giao dịch điện tử trong cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Việc triển khai giám sát hoạt động này vừa đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra, vừa giúp cho Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với nhau khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật đỡ tốn kém nguồn lực quốc gia. Điều này lại càng cần thiết hơn trong tình hình triển khai Hiến pháp mới năm 2013, tập trung cao nhất ý chí và nội lực toàn dân để bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng dân tộc các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2015 quan tâm, giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Đây đang là một khâu yếu trong hoạt động của Hội đồng, các cơ quan của Quốc hội hiện nay.

 

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh- TP Hà Nội

Các bài viết khác