ĐBQH Đào Trọng Thi - TP Hà Nội: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm bao nhiêu thông tin, cơ quan nào có thẩm quyền nhập thông tin nào vào cơ sở dữ liệu chung?

08/06/2014

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước công dân, các ĐBQH nhấn mạnh, Luật này phải tạo thuận lợi tối đa cho dân. Nguyên tắc quản lý căn cước công dân phải đơn giản, thuận tiện, công khai, minh bạch.

Tại Kỳ họp này, QH thảo luận về 2 dự án Luật có liên quan chặt chẽ với nhau là dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch. Điều khiến tôi băn khoăn là hai dự án Luật cùng đề cập đến một số nội dung nhưng mỗi dự án Luật lại có cách tiếp cận khác nhau và chưa thống nhất với nhau. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí và những bất cập không đáng có.

Ví dụ, quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tôi có cảm giác cơ quan soạn thảo hai dự án Luật chưa thống nhất về vấn đề này. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân nói rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gốc, còn các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác lấy từ đây ra. Cơ sở dữ liệu quốc gia phải là một hệ thống chung, còn những cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải là hệ thống con của nó. Việc anh trích lược, đưa vào máy chủ riêng để làm cơ sở dữ liệu thì đấy là việc anh tổ chức, quản lý dữ liệu để sử dụng. Vậy thì, hình thành và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia này như thế nào? Ở đây, tôi thấy chúng ta mới chỉ nói một chiều về việc có cơ sở dữ liệu quốc gia rồi và việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung ấy như thế nào; còn chiều ngược lại thì chưa nói đến, đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nào? Có ý kiến đề nghị giao cho Bộ Công an thì đây mới chỉ là việc truy nhập lại những thông tin đã có. Còn vấn đề quan trọng hơn là từ bây trở đi, những thông tin mới phát sinh thì nạp vào cơ sở dữ liệu như thế nào? Trong trường hợp này, cần phải quy định rõ cơ sở dữ liệu quốc gia này gồm bao nhiêu thông tin? Ví dụ gồm 40 thông tin, trong đó có bao nhiêu thông tin là cơ sở căn cước, bao nhiêu thông tin họ tên, bao nhiêu thông tin về tài sản cá nhân... từ đó quy định cơ quan nào có thẩm quyền nhập thông tin nào vào trong cơ sở dữ liệu chung. Có ý kiến cho rằng khi một đứa trẻ sinh ra, đăng ký khai sinh xong thì bên cấp giấy khai sinh phải chuyển cho bên công an khu vực để nhập dữ liệu này vào hệ thống. Nếu thế thì đâu còn là thông tin gốc nữa? Đáng lý ra là bên cấp giấy khai sinh phải nhập dữ liệu này vào hệ thống chung, mặc dù bên công an là đơn vị quản lý vấn đề ấy nhưng việc nhập thông tin đấy không nhất thiết phải là công an. Vì vậy, cần phải có cách tiếp cận rõ ràng hơn, tất cả các bên liên quan cần phải hiểu rõ rồi mới bắt đầu thực hiện đề án về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn việc anh nào được cấp vào, anh nào được sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phần mềm sẽ xử lý theo quy định của Nhà nước về phân cấp thẩm quyền.

ĐBQH Đào Trọng Thi - TP Hà Nội

Các bài viết khác