ĐBQH Nguyễn Công Bình - Yên Bái: Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn

17/06/2014

Luật doanh nghiệp năm 2005 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy việc huy động vốn để phát triển, mở rộng kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn tám năm triển khai thực hiện, luật cũng bộc lộ những hạn chế vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân của ảnh hưởng đó chính là từ các quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành. Do vậy, tôi đồng tình sửa đổi Luật doanh nghiệp để thay thế Luật doanh nghiệp năm 2005 là cần thiết.

Về dự thảo dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), tôi cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi và bổ sung mới trong dự thảo dự án luật. Một trong những nội dung mới là doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, có sự thay đổi quan trọng về quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký sang được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, có những quy định mới về cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong hoạt động và giải thể doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, thuận lợi, minh bạch hơn, để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy vậy qua thực tế tôi góp ý một số nội dung sau:

Một, doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo tôi có vai trò rất quan trọng, vì từ đó sẽ bố trí lại cơ cấu lao động, đào tạo nghề gắn với việc làm, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do những điều kiện chưa thuận lợi, việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ số 192 ngày 5/6/2014 về thực hiện chính sách, pháp luật trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì số doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn phát triển rất chậm. Hiện nay mới chiếm khoảng 1,6% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Năng lực cạnh tranh yếu, thiếu liên kết bền vững với nông dân. Một số làm ăn thua lỗ, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi), tôi đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 8 hoặc có riêng một điều để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo hành lang pháp lý để có chính sách ưu đãi cao cho doanh nghiệp đầu tư vào những vùng khó khăn, miền núi và hải đảo.

Hai, về cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Điều 216, quy định như dự thảo luật chưa chặt và không rõ trách nhiệm, dễ dẫn tới lợi dụng, hình thành doanh nghiệp để hoạt động phi pháp, khó kiểm soát. Nguyên nhân chính là do hạn chế, yếu kém hoặc không được chú trọng trong khâu kiểm soát, sau khi thành lập doanh nghiệp cấp đăng ký rồi là xong. Do vậy, tôi đề nghị có quy định cụ thể trong dự ấn luật có một cơ quan quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp và bổ sung quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động vừa quản lý được doanh nghiệp.

Thứ ba, về ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh, Điều 7. Theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33, Hiến pháp năm 2013, về quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Về vấn đề này, tôi đồng tình với nhiều ý kiến mà các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi. Do vậy, tôi đề nghị cần cụ thể hóa những ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ngay trong dự thảo luật hoặc để có sự linh hoạt khi giao cho Chính phủ quy định thì trong luật có những nguyên tắc xác định các ngành nghề cấm kinh doanh là như thế nào.

 

ĐBQH Nguyễn Công Bình - Yên Bái

Các bài viết khác