Sử dụng công cụ thuế để quản lý hiệu quả, chứ không phải không kiểm soát được thì ban hành chính sách quản lý

26/09/2014

Sau 5 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và nhất là các cam kết của Việt Nam với WTO… Vì thế, các Ủy viên UBTVQH nhất trí cần thiết phải sửa đổi Luật này. Tuy nhiên, một số ý kiến chưa hài lòng với dự thảo Luật; cho rằng, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật rất lớn nhưng phạm vi sửa đổi theo Tờ trình của Chính phủ vẫn rất hẹp. Các Ủy viên UBTVQH đề nghị, cần rà soát để sửa đổi toàn diện Luật hiện hành, tăng tuổi thọ của Luật, khắc phục tình trạng Luật có hiệu lực trong thời gian ngắn đã phải tính tới việc sửa đổi.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Cần cân nhắc việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa trong khu phi thuế quan có dân cư sinh sống
 
Tôi quan tâm hai vấn đề:

Một là về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật của Chính phủ là hẹp, chưa bao quát, chưa toàn diện. Ủy ban Tài chính - Ngân sách muốn tổng kết để sửa đổi một cách cơ bản Luật này. Vậy ngoài các nội dung Chính phủ đề xuất ở đây, tôi đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách làm rõ thêm, theo Ủy ban cần có những nội dung nào của Luật này cần sửa đổi nữa?

 

Tôi tán thành chủ trương cần nghiên cứu để điều chỉnh lại một số sắc thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt. Tất cả chúng ta đều biết đây là một loại thuế mà Nhà nước ban hành để hạn chế và không khuyến khích tiêu dùng đối với một số loại hàng hóa dịch vụ. Qua đó để định hướng vấn đề sản xuất, ổn định sản xuất và tiêu dùng trong xã hội; tăng thu ngân sách và điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao trong xã hội. Mục tiêu của sắc thuế này là như vậy. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những khó khăn cả về thu ngân sách, cả về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có những vấn đề bức xúc như tác hại của rượu bia, thuốc lá... chúng ta đều thấy rõ nên về chủ trương, tôi tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật này. 

Liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia. Theo Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật, thực hiện trong lộ trình từ năm 2015 đến năm 2019 đối với tất cả 3 mặt hàng này thì ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên được khoảng hơn 4.000 tỷ đồng – con số này cũng rất lớn. Báo cáo cũng nêu rõ: trước mắt, đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có thể có ảnh hưởng nhất định, nhưng mức ảnh hưởng rất thấp. Xét về tổng thể, doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước hầu như không bị ảnh hưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn có xu hướng gia tăng. Tôi đề nghị rà soát lại thật kỹ chỗ này. Vì khi QH sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, đặt vấn đề tăng thuế đối với sản phẩm bia lon, bia hơi, tôi thấy các nhà máy sản xuất rượu, bia có ý kiến rất quyết liệt gửi đến ĐBQH và QH và nói rằng, nếu tăng thuế, không chỉ ảnh hưởng đến người sản xuất còn ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Hai là, về đối tượng điều chỉnh, ví dụ, ở đây chúng ta định đưa hàng hóa trong khu phi thuế quan có dân cư sinh sống vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Câu hỏi đặt ra là, trước đây, khi thành lập các khu phi thuế quan, chúng ta miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác cho hàng hóa trong khu vực này. Vậy lý do tại sao lại miễn thuế và việc miễn thuế như vậy có tác dụng gì đối với khu phi thuế quan? Bây giờ, chúng ta nói vì có buôn lậu, gian lận thương mại trong khu phi thuế quan nên phải thu thuế đối với hàng hóa trong khu này, kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác. Việc thu thuế này có ảnh hưởng gì đến sự hình thành và phát triển của các khu phi thuế quan hiện nay và tương lại không? Có liên quan gì đến cam kết của chúng ta với Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định bảo hộ đầu tư không? Vấn đề này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, khi chúng ta thành lập các khu này và gọi là khu phi thuế quan, tức là ở trong khu vực này không có thuế. Bây giờ, lý do chúng ta đưa ra là vì trong khu đó có đông dân cư sinh sống hoặc không có bức tường cứng để ngăn cản nên có tình trạng buôn lậu, tuồn hàng ra khỏi khu vực phi thuế quan để buôn lậu và gian lận thương mại. Đạo lý của khu phi thuế quan là miễn thuế để khuyến khích, tạo động lực phát triển kinh tế. Tôi đề nghị cân nhắc lại vấn đề này. Theo tôi không phải vì không chống được buôn lậu, vì không chống được gian lận thương mại nên phải đánh thuế đối với hàng hóa trong khu phi thuế quan có dân cư sinh sống. Cách làm như vậy là ngược lại với nguyên tắc từ đầu của chúng ta khi thành lập các khu này và cũng không đúng với thông lệ các khu phi thuế quan khác ở trong nước.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Tại sao chúng ta không rà lại tất cả các sản phẩm đang được Luật hiện hành điều chỉnh?    

Thứ nhất, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt xuất phát từ một nhu cầu rất lớn hiện nay là nhìn chung, thời gian thực hiện các luật thuế của chúng ta rất ngắn, có Luật chỉ 2 - 3 năm thi hành đã phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, phần lớn các luật sửa đổi này thì đều  sao chép lại luật cũ và Chính phủ chỉ điều chỉnh một số nội dung. Ví dụ ngay như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hay Luật Quản lý thuế mới được QH thông qua nhưng Chính phủ đã đề nghị là sẽ có một luật để sửa nhiều luật trong đó sửa đến 4 luật. Quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là khi đã sửa luật thì phải tính toán kỹ để đời sống của các luật này dài hơi hơn.

Thứ hai, việc điều chỉnh thuế suất, lộ trình thực hiện và xu hướng cải cách thuế phải nhìn ở góc độ: bây giờ chúng ta tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới thì có thể trong thời gian tới, cụ thể là đến năm 2018, về thuế xuất nhập khẩu của chúng ta phải thực hiện theo đúng lộ trình cam kết với WTO, có những loại thuế có thuế suất là 0%, có loại thuế chỉ còn 5%; thậm chí, tới đây, chúng ta còn tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) nữa. Khi đó, tình hình thu sẽ giảm đi rất lớn. Vậy thì các luật thuế khác bù đắp vào khoản hụt thu này của ngân sách như thế nào? Trong này, chúng ta cũng chưa nói đến. Ủy ban Tài chính - Ngân sách muốn Chính phủ phải chú ý vấn đề này khi sửa đổi, bổ sung các luật thuế.

Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có 15 loại hàng và mặt hàng cần phải xem xét. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này, Chính phủ mới đưa ra 3 mặt hàng để xem xét là rượu, bia và thuốc lá. Vậy những mặt hàng khác thì thế nào? Tại sao chúng ta không rà lại tất cả các sản phẩm đang được Luật hiện hành điều chỉnh? Ví dụ, trước đây, thu đối với điều hòa công suất 9.000 BTU trở lên thì áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng hiện nay, điều kiện KT-XH phát triển hơn, đời sống được nâng lên thì có cần thiết phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này nữa hay không? Hay đối với ô tô, tới đây thuế xuất nhập khẩu ô tô sẽ giảm. Vậy chúng ta sẽ lấy cái gì để bù đắp vào phần thuế xuất nhập khẩu giảm này?... Tóm lại, rất nhiều vấn đề theo chúng tôi cần rà soát cụ thể hơn. Chúng tôi cho rằng, lần này yêu cầu đặt ra thì rất lớn nhưng đề xuất sửa đổi, bổ sung của Chính phủ lại hơi hẹp, chỉ nằm trong 3 mặt hàng chủ yếu là rượu, bia, thuốc lá.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Cứ theo kiểu không kiểm soát được buôn lậu là ban hành chính sách để quản lý là không ổn

Việc sửa đổi, bổ sung lần này có hai mục tiêu: một là, sử dụng công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt để quản lý Nhà nước hiệu quả hơn; hai là, góp phần tăng nguồn thu. Nhưng điều tôi băn khoăn nhất là tác động ngược lại của việc điều chỉnh sắc thuế này như thế nào? Năm 2000, tôi có đi nghiên cứu tại Australia thì thấy, người ta chỉ điều chỉnh thuế suất về thuế ô tô, nhưng việc điều chỉnh này đã tác động toàn diện đến nền kinh tế. Lúc đó, Ngân hàng Trung ương của Australia không biết vì sao vốn khả dụng không tính toán được mới truy ra gốc là từ thay đổi thuế, sau mới điều chỉnh lại và các hoạt động kinh tế mới trở lại bình thường. Đây là bài học rất lớn. Việc tính toán tác động của các sắc thuế là hết sức quan trọng.

Về một số nội dung cụ thể, tôi tán thành Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về xăng sinh học, kinh doanh game online. Đối với kinh doanh casino, tôi nhiều lần phát biểu việc tác động đến casino là phải cân nhắc. Chúng tôi sống và lớn lên trong miền Nam từ thời kỳ chiến tranh, thời kỳ chế độ cũ cờ bạc không cấm và không khuyến khích nhưng tình trạng bác thằng bần rất rõ nét. Bao nhiêu gia đình đang giàu có, ổn định, bao nhiêu gia đình đang yên ấm, hạnh phúc rồi cũng tan vỡ hết do cờ bạc. Tác hại của nó là rất lớn, Vì vậy, theo tôi, vẫn nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh casino. Áp dụng các sắc thuế cao để tác động vào, coi như một công cụ gián tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đối với thuốc lá, chúng ta cứ theo kiểu không kiểm soát được buôn lậu là ban hành chính sách để quản lý là không ổn. Tôi nghĩ phải có cách làm cứng rắn hơn. Vừa rồi khi có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, tôi nhớ tôi đọc 2 lần đề xuất của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam thì đạo luật này tác động khá toàn diện đến ngành thuốc lá. Bây giờ chúng ta nói ngành thuốc lá phải chấp hành luật nhưng vì buôn lậu, quản lý không tốt nên ngành thuốc lá nước ta gặp nhiều khó khăn. Tôi đề nghị xem lại chỗ này. Nhân việc sửa đổi Luật lần này, đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả nhất, vừa thực hiện được Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của người dân vừa có công cụ để tăng cường quản lý.

(Theo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác