ĐBQH Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước phát biểu ý kiến
Trong 15 nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 70 của Hiến pháp thì nhiệm vụ đầu tiên là làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, là nhiệm vụ đặc thù của Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân, thể hiện rõ nhất quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề nhất mà nhân dân giao cho Quốc hội và giao cho từng đại biểu Quốc hội. Thực tế Quốc hội đã phải dành rất nhiều thời gian làm việc của mình cho việc thực hiện nhiệm vụ này và cụ thể trong kỳ họp này hầu hết thời gian chúng ta đã dành cho công tác xây dựng luật.
Nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng luật, sửa đổi Hiến pháp và luật trong thời gian vừa qua Quốc hội đã có cố gắng rất lớn, đã từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước. Từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Song tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn đã tồn tại khá lâu, khá phổ biến, đã trở thành căn bệnh khó chữa, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của các văn bản luật. Mặt khác, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của các văn bản hướng dẫn cũng là vấn đề rất đáng quan tâm của Quốc hội. Hiệu lực của pháp luật chưa nghiêm, tuổi thọ của các văn bản luật còn ngắn, luôn là những trăn trở của xã hội. Trên cơ sở đó tôi đề nghị việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội lần này phải góp phần tích cực nhất để khắc phục tình trạng trên bằng cách phải xác định thật đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn về quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng luật và sửa đổi luật. Tuy dự thảo đã có nhiều điều cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp, nhưng vẫn chưa có sự đổi mới cần thiết, chưa cụ thể và chưa đủ để khắc phục được tình trạng trên.
Tôi đề nghị phải bổ sung một số quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo để làm rõ hơn, cụ thể hơn và đầy đủ hơn nhiệm vụ làm luật và sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, nhằm đảm bảo luật được áp dụng vào thực tiễn một cách nghiêm túc đầy đủ, thống nhất trên toàn quốc vào đúng ngày văn bản có hiệu lực chính thức. Tôi cho rằng nhiệm vụ làm luật của Quốc hội không chỉ dừng ở việc thông qua văn bản luật tại kỳ họp mà chính Quốc hội phải có trách nhiệm cuối cùng cho đến khi luật có đủ văn bản để áp dụng, luật thực thi được trong cuộc sống. Bởi vì, những nội dung chưa được quy định và chưa có đủ điều kiện quy định trong luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ quy định thì Quốc hội vẫn phải có trách nhiệm tới cùng về tính kịp thời, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của văn bản hướng dẫn. Phải coi đó là trách nhiệm chính trị của Quốc hội và của từng đại biểu Quốc hội trước cử tri. Tôi cho rằng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ trên là do thực hiện nhiệm vụ với tư cách là được ủy nhiệm của Quốc hội, không phải thực hiện chức năng hành pháp của mình nên sau khi thực hiện phải báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Từ quan điểm trên, nhiệm vụ của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng phải bổ sung để đảm bảo nhiệm vụ của Quốc hội được thực hiện, cụ thể là: Với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần bổ sung cụ thể về nhiệm vụ phối hợp và chịu trách nhiệm giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật cả về số lượng văn bản, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ và tính khả thi của văn bản hướng dẫn. Đồng thời có nhiệm vụ báo cáo với Quốc hội tại phiên họp gần nhất về tình hình triển khai các văn bản luật đã có hiệu lực trong thời gian giữa hai kỳ hợp. Với tinh thần Ủy ban nào thẩm định luật nào thì tiếp tục chịu trách nhiệm trước Quốc hội về những văn bản hướng dẫn thực hiện luật đó. Với Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cần phải có bổ sung nhiệm vụ về phân công, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên.