Đại biểu Quốc hội Tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu ý kiến
Thứ nhất, giải thích từ ngữ tại Khoản 1, Điều 3 giải thích rằng: Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Tôi thấy rằng giải thích như vậy là chưa đủ, nhà ở nhiều khi không chỉ để ở, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn có thể được chủ sở hữu cho thuê hoặc kinh doanh và những việc khác mà pháp luật không cấm, không ảnh hưởng đến xã hội.
Mặt khác tại Khoản 1, Điều 10 quy định quyền của chủ sở hữu thì cũng có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà pháp luật không cấm. Bởi vậy tôi đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ ở Khoản 1 điều này, ngoài mục đích để ở và phục vụ cho sinh hoạt còn sử dụng vào mục đích khác. Như vậy, Khoản 1 điều này sẽ là "Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân và các mục đích khác mà pháp luật không cấm".
Thứ hai, tại Khoản 5, Điều 2, quy định "Các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng v.v... thì trưng dụng, trưng mua có bồi thường", các trường hợp này quy định ở Điều 54 của Hiến pháp về thu hồi đất. Tuy nhiên, tại điều này của Hiến pháp còn quy định thêm một trường hợp nữa là trường hợp để phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, nên bổ sung trường hợp này vào Khoản 2, Điều 5, theo quy định của Hiến pháp. Bởi thực chất việc trưng dụng, trưng mua nhà cũng là trung dụng và trưng mua đất hoặc trưng thu đất, nhà luôn luôn gắn liền với đất, nên đưa trường hợp để phát triển kinh tế - xã hội vào Khoản 2, Điều 5 này.
Thứ ba, về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư quy định ở Mục 4, Chương II, tôi thấy:
Thứ nhất, các quy định ở mục này từ Điều 35 đến Điều 41 dự thảo quy định rõ các vấn đề về nhà tái định cư, nhưng mới là các quy định thuộc về nguyên tắc, trách nhiệm, quyền của cơ quan nhà nước và chủ đầu tư. Chưa có quy định nào nhằm tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch xây dựng nhà ở tái định cư. Tôi đề nghị cần có những quy định này để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình này, nhất là những dự án nhà ở tái định cư ở nông thôn, miền núi, Tây Nguyên khi phải di dời để thực hiện các dự án của Nhà nước.
Thực tế cho thấy nhiều dự án tái định cư ở nông thôn, miền núi, nhất là miền núi Tây Nguyên người dân chưa được tham gia đầy đủ, nên khi đưa vào sử dụng đã xảy ra những vấn đề như không phù hợp với điều kiện ăn ở, sản xuất, phong tục tập quán của người dân, phát sinh nhiều vấn đề như thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại, thậm chí là không ở. Thực trạng đó đã làm giảm hiệu quả cũng như ý nghĩa của công tác tái định cư.
Thứ hai, tại Điều 35 nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư và Điều 39, loại và tiêu chuẩn diện tích nhà ở. Tôi thấy rằng cần bổ sung để luật hóa quan điểm của Đảng là khi thực hiện tái định cư phải đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đồng thời quy định thêm những yêu cầu về đảm bảo, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Với quy định như trong dự thảo về phong tục tập quán của từng dân tộc là chưa đủ và chưa bao quát hết các vấn đề về văn hóa trong nhà ở cũng như trong các thể chế văn hóa của đồng bào. Nếu thiếu những quy định như vậy thì tôi e rằng sẽ dẫn đến tình trạng nhà tái định cư tới thì nét văn hóa của đồng bào giảm hoặc mất đi.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Điều 49 dự thảo đưa 10 đối tượng được hưởng chính sách này. Tôi thấy người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, họ cần được nhà nước và xã hội giúp đỡ về mọi mặt. Mặt khác tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét việc phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Bởi vậy tôi đề nghị bổ sung người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội quy định ở điều luật này.