ĐBQH Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng: Nên thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà ở công vụ để đưa họ tiếp cận với thị trường nhà ở xã hội

24/10/2014

Trước hết, tôi nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi đánh giá rất cao sự tiếp thu nghiêm túc, trách nhiệm của Ban soạn thảo về các ý kiến của đại biểu Quốc hội về các vấn đề như phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, nhà ở xã hội, phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ và một số vấn đề khác về nhà ở.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh phát biểu ý kiến 

Một, thời điểm chuyển quyền sở hữu tại Điều 12. Dự thảo luật đưa ra hai phương án. Sau khi nghiên cứu tôi thấy phương án 1 phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người mua nhà. Tuy nhiên, có một vấn đề tôi thấy Ban soạn thảo cần nghiên cứu, có giải trình rõ hơn với quy định tại Khoản 3 điều này.

Nếu quy định mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư với người mua nhà mà thời điểm chuyển quyền sở hữu là khi người nhận mua bàn giao nhà là không hợp lý. Vì hiện nay có nhiều dự án người mua chỉ thanh toán 70% giá trị hợp đồng, thậm chí mới thanh toán 50% giá trị hợp đồng đã được nhận bàn giao nhà. Trường hợp nhận bàn giao nhà khi chưa thanh toán đủ tiền mà đã được chuyển quyền sở hữu cho bên mua nhà sẽ dẫn đến phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở là rất cao. Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp về nhà ở, nguyên nhân do các bên bỏ qua thủ tục đăng ký, dẫn đến một căn nhà được bán cho nhiều người. Do đó để giảm thiểu các tranh chấp về nhà ở diễn ra trong thực tế, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người mua, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xác định rõ trong luật thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà tại Khoản 2, Điều 12.

Hai, về chính sách phát triển nhà công vụ, Mục 3, Chương III. Tôi đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu về chính sách phát triển nhà ở công vụ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng nhà công vụ đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích. Song tôi cho rằng Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách này, vì những lý do như sau:

Dự thảo luật lần này đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, kể cả xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Do đó nên thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà ở công vụ để đưa họ tiếp cận với thị trường nhà ở xã hội. Qua đó sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nhà ở công vụ trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ. Các đối tượng thực thi công vụ khác chỉ được chính sách về nhà ở công vụ khi họ được điều động, luân chuyển về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, dự thảo luật cần bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển nhà ở công vụ ở vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để thu hút cán bộ.

Ba, về chính sách nhà ở xã hội tại Chương IV. Thực tế cho thấy tại các thành phố lớn, đặc biệt thành phố tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp thì nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Tuy nhiên, những năm qua các doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội mà chỉ tập trung vào phát triển nhà ở thương mại. Một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách, cơ chế thực sự ưu đãi đối với doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nơi đầu tư thu hút lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm. Tôi đề nghị để huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, dự thảo luật cần bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể hơn và đột phá hơn nữa như quy định cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, chủ thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thuế so với xây dựng nhà ở để bán, cho thuê tạo điều kiện để cung cấp nguồn vốn vay trung hạn, dài hạn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính để phát triển nhà ở. Bổ sung các nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà từ các quỹ của tài chính.

Về Quỹ phát triển nhà ở xã hội tại Điều 74. Thực tế chủ đầu tư cần nguồn vốn ưu đãi lâu dài để tham gia phát triển nhà ở xã hội, công chức, công nhân, người nghèo đối tượng chính sách đang có nhu cầu lớn về tài chính để mua nhà ở, nhất là tại các đô thị tập trung nhiều khu công nghiệp. Do đó, việc thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng như người có công với cách mạng, hộ nghèo, công nhân, được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, về vấn đề lập quỹ tôi vẫn còn một số băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ.

Thứ nhất, theo quy định của dự thảo luật thì quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, vậy nếu nguồn vốn của quỹ được hình thành từ việc phát hành trái phiếu, công trái thì trả lãi trái phiếu, công trái như thế nào?
Thứ hai, việc quy định cho phép quỹ được phát hành công trái có thực sự cần thiết không, vì công trái quốc gia thường được phát hành nhằm phục vụ các dự án công trình, chương tình có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ ba, nhất thiết phải thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không Hay chỉ nên thành lập tại các đô thị lớn, đông dân và tập trung nhiều khu công nghiêp và trường đại học.

Cổng Thông tin điện tử