Quân đội, Công an: Lao động đặc biệt cần phải có chính sách đặc biệt

25/10/2014

Đây là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn Tiền Giang) khi đề cập đến Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày sáng 24-10, tại hội trường quốc hội.

Theo đó, đại biểu đánh giá cao và tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhưng cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như: Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị đưa đối tượng sĩ quan (SQ), Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), hạ sĩ quan (HSQ) nghiệp vụ, HSQ chuyên môn kỹ thuật vào diện được hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở, hỗ trợ giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất theo khoản 2, khoản 3, Điều 50 của Dự thảo Luật này.

Đề cập đến nội dung này, đại biểu cho rằng, khi thực hiện sẽ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với cán bộ quân đội và công an vì một số lý do: Về thực tiễn, trong nhiều năm qua, mặc dù Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) và Luật Công an nhân dân (CAND) đã có quy định, nguyên tắc về việc bảo đảm nhà ở cho sĩ quan quân đội và công an cũng như các đối tượng hưởng lương trong ngành quân đội, công an. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện rất khó khăn do quy định không cụ thể về chính sách ưu đãi này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn Tiền Giang). 

Trên thực tế, SQ và QNCN trong quân đội cũng như sĩ quan, HSQ nghiệp vụ, HSQ chuyên môn kỹ thuật trong Công an đang rất khó khăn về nhà ở. Do chính sách đã và đang ảnh hưởng đến đời sống cán bộ quân đội và công an nhất là với những đồng chí đang công tác ở các đơn vị cơ sở… Trong điều kiện họ phải luôn xa nhà, xa gia đình, tiền lương thực tế không thể đủ để có điều kiện mua nhà hoặc cải tạo nhà.

“Theo số liệu chúng tôi có được, trong nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn lực Quân đội cũng chỉ đảm bảo được 6,8% cho số sĩ quan có nhu cầu về nhà ở, chủ yếu cũng chỉ ở những đơn vị hoặc địa bàn có thuận lợi còn ở những đơn vị cơ sở thì hầu như không bảo đảm được”, đại biểu Hùng nói.

Đại biểu cũng khẳng định, về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tại Điều 68, nhà nước có chính sách, chăm lo chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ QĐND, CAND và thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Quy định của hiến pháp là nền tảng rất quan trọng để chúng ta triển khai chính sách lớn đối với SQQĐ cũng như trong lực lượng CAND. Luật Sĩ quan QĐND, Luật CAND cũng đã xác định lao động của quân đội và công an là lao động đặc biệt và với tính chất lao động đặc biệt thì cũng cần phải có chính sách đặc biệt.

Đại biểu cho biết, Dự thảo Luật sĩ quan QĐND sửa đổi và Luật CAND sửa đổi lần này trình lên Quốc hội để thông qua cũng có đề cập đến những nội dung về chính sách nhà ở cho sĩ quan quân đội và công an theo ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội. Đại biểu đề nghị đưa những đối tượng này vào diện chính sách được hỗ trợ về nhà ở trong khoản 6 của Điều 49.

Về đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong gia đình, cá nhân trong xây dựng và cải tạo nhà ở quy định tại Điều 63, đại biểu đề nghị bổ sung diện sĩ quan, QNCN, HSQ chuyên môn kỹ thuật, HSQ nghiệp vụ, công nhân trong lực lượng quân đội và công an. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách, ông cũng đề nghị quy định rõ điều kiện với những đối tượng này. Theo đó, ngoài những điều kiện đã quy định hoặc Điều 51 thì phải là người chưa được bảo đảm nhà theo các hình thức thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc là mua nhà ở xã hội và phải có thời gian phục vụ trong quân đội hoặc công an tối thiểu là 15 năm để được hưởng chính sách này. Với những quy định như vậy sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, tính công bằng trong việc chăm lo nhà ở cho sĩ quan hay với những đối tượng hưởng lương trong công an.

(Theo Quân đội Nhân dân)

Các bài viết khác