ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng - Đồng Nai: Đầu tư bất động sản phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới

25/10/2014

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo gợi ý của Chủ tọa, nhằm góp phần hoàn thiện hơn dự án. Tôi đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, tôi xin tham gia 2 ý kiến sau.

Đại biểu Quốc hội Tỉnh Đồng Nai Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu ý kiến 

Ý kiến thứ nhất, điều kiện tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản tại Điều 10. Nên quy định vốn pháp định tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, các loại dự án bất động sản khác nhau về quy mô, tính chất, công năng, mục đích đầu tư, cũng như tổng mức đầu tư, nên không thể quy định chung cho các doanh nghiệp. Trong khi chính các doanh nghiệp mới biết nhu cầu vốn của mình tới đâu. Do vậy, sửa đổi luật lần này cần tính đến mối tương quan giữa vốn pháp định tối thiểu của doanh nghiệp với quy mô các dự án và số lượng các dự án doanh nghiệp được phép đầu tư, kinh doanh. Có như vậy thị trường bất động sản mới có thể đảm bảo an toàn, phát triển lành mạnh, tránh các hệ lụy xảy ra. Tôi đề xuất tại Khoản 1, Điều 10 được sửa lại như sau: "Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định do Chính phủ quy định căn cứ vào quy mô dự án, tính chất dự án, số lượng dự án cùng lúc doanh nghiệp thực hiện, nhưng không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này".

Ý kiến thứ hai, yêu cầu đối với dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh tại Điều 12. Yêu cầu đối với dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 của dự luật phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê quyệt. Trong khi đó Luật bảo vệ môi trường mới được thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2015 nhấn mạnh phát triển bền vững, tức là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến độ xã hội và bảo vệ môi trường. Luật này cũng dành một mục riêng quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường ở hai cấp độ là: quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Mặc dù quy hoạch bảo vệ môi trường phải đảm bảo thống nhất với quy hoạch sử dụng đất, nhưng bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng, nên cần phải được nhấn mạnh trong dự luật này. Do vậy, tôi kiến nghị Ban soạn thảo sửa đổi Khoản 1, Điều 12 của dự luật như sau: "Dự án đầu tư bất động sản để kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt". 

Cổng Thông tin điện tử

Các bài viết khác