ĐBQH Phạm Hồng Phong - Hậu Giang: Cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của tòa án

27/10/2014

Về cơ bản, tôi đồng tình với dự thảo Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) lần này. Để cho Luật Tổ chức tòa án được hoàn chỉnh hơn, tôi xin đóng góp vào Điều 2 của dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong - Hậu Giang phát biểu ý kiến 

Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 2 quy định tòa án có thẩm quyền chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát xác định việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết.

Tôi đồng tình với việc ghi nhận điều này cho tòa án vì nó phù hợp với nhiệm vụ xét xử thực hiện quyền tư pháp mà Hiến pháp năm 2013 đã giao cho tòa án. Tuy nhiên để phù hợp với tinh thần kết luận số 92 của Bộ Chính trị. Đó là xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền tư pháp. Tôi cho rằng quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 2 dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của tòa án. Có như vậy mới tạo điều kiện để tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, không bị phụ thuộc vào kết luận, kết quả điều tra của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thực hiện. Tôi kiến nghị chỉnh sửa lại Điểm c, Khoản 3, Điều 2 dự thảo Luật Tổ chức tòa án như sau:

Trả hồ sơ yêu cầu Viện Kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết. Như vậy trong dự thảo luật nên bỏ ba chữ là "cần xác định việc".

Ở Khoản 7, Điều 2 về việc tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo quyền và lợi pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức. Tôi cho rằng quy định này là rất cần thiết và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Là Hiến pháp luật cơ bản của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp.

Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 2 Hiếp pháp năm 2013 có quy định Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực của Nhà nước thông qua các cơ quan dân cử, nên ngoài việc tuân thủ Hiến pháp thì phải tuân thủ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chính vì vậy, những văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định này đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý để đảm bảo cho ý chí, quyền lực của nhân dân được thực hiện đúng và đầy đủ nhất. Tại Khoản 2, đoạn 2 của Khoản 7, Điều 2 quy định cơ quan được kiến nghị chỉ có trách nhiệm trả lời cho tòa án là chưa thật sự phù hợp, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan được kiến nghị khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nhấn mạnh hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử phải được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực. Do vậy, để tăng cường hiệu lực của quyền tư pháp, tôi cho rằng cơ quan được kiến nghị cần phải có trách nhiệm thực hiện kiến nghị và phải trả lời kết quả thực hiện kiến nghị của tòa án. Nên cần sửa đổi đoạn 2, Khoản 7, Điều 2 như sau: Trong quá trình xét xử vụ án Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm thực hiện và trả lời cho Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật, là cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án. 

Cổng Thông tin điện tử