Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý - Nghệ An phát biểu ý kiến
Thực hiện Nghị quyết số 10/2011QH13 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính đến nay đã 3 năm. Trong 3 năm qua, nền kinh tế nước ta có những lúc thăng trầm, nhiều doanh nghiệp phá sản. Nhưng nhìn tổng thể, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Đảng, Quốc hội và của Chính phủ đã đi đúng hướng. Có lĩnh vực đang chuyển mình và từng bước phát triển. Trong ba lĩnh vực nói trên, tôi xin phân tích về lĩnh vực tái cơ cấu về hệ thống thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.
Kính thưa Quốc hội, ngay từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa này, tình hình kinh tế của đất nước ta diễn biến vô cùng phức tạp, với những chỉ số khủng như lạm phát xấp xỉ 20%/năm; Doanh nghiệp phải tiếp cận với vốn vay trên dưới 20%/năm. Thang bậc tín nhiệm của nền kinh tế xuống thấp. Việc tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, một số ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập, nguồn vốn vay từng bước được khai thông phục vụ cho nền kinh tế. Nhiều văn bản pháp luật về ngân hàng và tiền tệ đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung, góp phần phát huy tác dụng trong công tác quản lý và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thúc đẩy quá trình đổi mới quản trị, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.
Tôi đánh giá rất cao những biện pháp linh hoạt, khoa học và thận trọng của ngành ngân hành trong quá trình tái cơ cấu vừa qua. Sự thành công bước đầu của việc tái cơ cấu nói trên đã góp phần tạo ra thị trường tài chính tiền tệ và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, doanh nghiệp đã tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý, sản xuất, kinh doanh đã ấm dần. Điều này đã được các đại biểu chúng ta làm rõ trong hai ngày qua về báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm nay của Chính phủ phần lớn các chỉ tiêu kinh tế đều đạt. Trong đó nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ đạt 5,8% như dự kiến. Tuy vậy hiện nay tình hình nợ xấu vẫn còn cao cùng với sở hữu chéo vẫn là hai vấn đề lớn cản trở đà phát triển của nền kinh tế. Cần phải mạnh tay hơn nữa để loại bỏ các hạn chế này, đưa công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng vào chiều sâu. Sau đây tôi xin nhấn mạnh thêm một số giải pháp trong quá trình tái cơ cấu:
Một, thúc đẩy ngân hàng sáp nhập, hợp nhất. Đối với các ngân hàng yếu kém thì cần yêu cầu xây dựng phương án cơ cấu lại, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu hợp nhất, sáp nhập để đổi mới các công tác quản trị ngân hàng.
Hai, cần có biện pháp giám sát nợ xấu, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng tổ chức tín dụng. Để thực hiện vấn đề này cần phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Đối với tổ chức tín dụng cần tích cực xử lý nợ xấu, thường xuyên đánh giá lại, phân loại từng khoản nợ xấu và khả năng thu hồi nợ của các khoản nợ, tiếp tục cơ cấu lại từng khoản nợ.
Ba, cần minh bạch việc sở hữu chéo. Theo ý kiến của một số chuyên gia, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu, và nguy cơ thao túng hoạt động kinh doanh tài chính. Vì thế, giải pháp dài hạn để ngăn chặn hành động này là cần tập trung mạnh hơn vào công việc xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch. Có chi phí giao dịch thấp và cần rà soát hệ thống văn bản pháp lý theo hướng đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Bốn, áp dụng Luật bảo hiểm tiền gửi, phát huy vai trò của bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Hàng năm, cần có xếp hạng các ngân hàng theo thứ tự A, B, C, ứng với các loại tín nhiệm của các loại phí bảo hiểm tiền gửi để người dân phân loại được tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp của từng ngân hàng. Từ đó, đưa ra quyết định gửi tiền, và xem hình thức này như một đòn bẩy tạo động lực để nội bộ ban lãnh đạo, các cổ đông trong ngân hàng và các ngân hàng với nhau cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động.
Năm, cần có chủ trương cho những ngân hàng yếu kém, giải thể. Từ trước đến nay, chúng ta chưa để một ngân hàng thương mại nào phải giải thể theo đúng nghĩa. Điều này, tạo ra sự bao cấp không đáng có, dẫn đến tình trạng một số ông chủ ngân hàng lợi dụng ngân hàng để thao túng thị trường, đẩy thị trường hoạt động một cách méo mó, để lại hậu quả nợ xấu, nặng nề cho nền kinh tế. Đây cũng là điều trái với quy luật thị trường và thông lệ quốc tế.
Kính thưa Quốc hội, tôi thiết nghĩ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần phải hoạt động đúng theo Luật doanh nghiệp, Luật tổ chức tín dụng và các luật chuyên ngành. Nếu yếu kém, khi cần giải thể thì tuân thủ Luật phá sản. Có như vậy, về lâu dài chúng ta mới có được thị trường tài chính lành mạnh và bền vững.