ĐBQH Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Yên Bái: Cần phải có sự thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

05/11/2014

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề trình tại kỳ họp này so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 7 có sự thay đổi rất nhiều về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục và đào tạo, về chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhân lực và hội nhập quốc tế. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, tôi tham gia một số nội dung sau.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Yên Bái phát biểu ý kiến

Một, về hệ thống các trình độ đào tạo Hiến pháp năm 2013 quy định: hệ thống giáo dục nước ta bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang bị phân tách thành hai bộ phận do hai bộ thực hiện quản lý nhà nước. Trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý hệ thống dạy nghề, bao gồm trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời gây lãng phí trong đầu tư phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, khó khăn cho tổ chức thực hiện đào tạo. Vì vậy tôi nhất trí với việc sáp nhập hai hệ thống trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và cao đẳng nghề.

Tuy nhiên, tôi đề nghị cần làm rõ đặc trưng căn bản của mỗi trình độ để sắp xếp có sự thống nhất trong mô tả đặc thù của mỗi trình độ. Điều này cần phải đánh giá một cách khoa học từ thị trường lao động, xem vị trí việc làm của cao đẳng nghề và cao đẳng hiện nay thế nào về bên phía thị trường. Nguyên tắc chung hệ thống đào tạo phải tuân theo trình tự từ thị trường lao động, nghề nghiệp, năng lực nghề nghiệp, các trình độ cần thiết giáo dục, nhưng từ trước đến nay chúng ta thiết kế các trình độ chưa xuất phát từ bên cầu thị trường lao động. Do vậy rất dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất. Nói đào tạo cao đẳng theo hướng thực hành thì chưa thể kết cấu được chương trình đào tạo theo các chương trình nghề khác nhau. Luật giáo dục nghề nghiệp được xây dựng trên cơ sở Luật dạy nghề và chủ yếu do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo và tất nhiên được Chính phủ giao nhiệm vụ. Đối tượng điều chỉnh bao gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, nhưng hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng chưa đồng tình do không được tham dự. Bên cạnh đó hầu hết 63 Sở giáo dục và đào tạo không được tham gia vào quá trình trao đổi bàn bạc về Luật dạy nghề (sửa đổi). Điều này không phù hợp với nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó tôi đề nghị:

Thứ nhất, cần có đánh giá cơ bản đặc trưng mỗi trình độ gắn với vị trí việc làm trong thị trường lao động.

Thứ hai, cần lấy ý kiến của 63 sở giáo dục và đào tạo và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa phương để có đánh giá đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tôi đồng tình cao với ý kiến phát biểu của Đại biểu Diệu - Quảng Bình và Đại biểu Hải - Đồng Nai. Giáo dục nghề nghiệp là một bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng bị phân đôi và phát triển theo hai định hướng khác nhau, khiến cho lĩnh vực này bị phân tách thành hai hệ thống riêng biệt là giáo dục nghề nghiệp chuyên nghiệp và dạy nghề, dẫn tới nhiều bất cập như tôi đã phân tích ở trên. Vì vậy, cần phải có sự thống nhất một cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn. Thực tế cho thấy nếu Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ đảm bảo được những yêu cầu sau:

Thứ nhất, đảm bảo thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo đối với tất cả các cấp học, bậc học và các trình độ đào tạo từ bậc mầm non đến đại học và sau đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thống nhất hệ thống thang bảng lương và các chế độ phụ cấp trong giáo dục.

Thứ hai, đảm bảo sự thống nhất có bài bản về chương trình đào tạo trong công tác liên thông, liên kết, trong quy định một số chính sách liên thông cho các bậc học trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học và sau đại học.

Thứ ba, hiện nay rất nhiều trường đại học, cao đẳng có hai trình độ đào tạo đó là cao đẳng và đại học. Nếu giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý về giáo dục nghề nghiệp, Bộ giáo dục và đào tạo quản lý về giáo dục đại học khi đó một cơ sở giáo dục lại phải chịu sự quản lý và chi phối bởi 2 bộ liên quan đến nhiều tầng, nhiều nấc.

Thứ tư, tôi rất băn khoăn trong việc sát nhập cao đẳng với cao đẳng nghề giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý trong đó có cao đẳng sư phạm. Cao đẳng sư phạm tính chất giáo dục hết sức cao, để đào tạo ra một bộ máy cái, đào tạo ra người thầy mà lại là Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý là không hợp lý. Mặt khác, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo một hệ thống và quản lý rất thuận tiện. Vậy, cắt bỏ giáo dục nghề nghiệp để một bộ khác quản lý liệu có tốt không? Có phù hợp không? Tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc quyết định.

Thứ ba, về tiêu chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Điểm b, Khoản 2, Điều 15. Thực tế cho thấy, hiện nay 80%-90% giám đốc trung tâm đang là thạc sĩ, tiến sĩ, cùng lắm là đại học. Vậy mà dự thảo luật quy định Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp có trình độ cao đẳng trở lên là đi lùi một bước. Do đó, tôi đề nghị quy định tiêu chuẩn của giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp ít nhất là phải có bằng đại học trở lên.

Điều 6, chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tại Điều 6, gồm 8 khoản quy định về chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy tại Khoản 2, Điều 5 quy định về các loại hình giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 7, quy định về việc xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong 8 khoản tại Điều 6 quy định chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp thì chưa có khoản nào quy định về việc nhà nước tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư cho dạy nghề. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 6 quy định: "Nhà nước tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư cho dạy nghề".

Thứ năm, do chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến của các sở giáo dục và gần 600 trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường đại học trong quá trình soạn thảo từ khi chuyển từ dự thảo Luật dạy nghề (sửa đổi) sang Luật giáo dục nghề nghiệp sau kỳ họp thứ 7 là không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, tôi đề nghị cần có thêm thời gian để hoàn thiện dự thảo được tốt hơn. Hoặc, nếu Quốc hội quyết định thông qua thì trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, đề nghị Quốc hội biểu quyết về việc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Tôi xin không phân tích lại. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu chương trình giáo dục giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục dạy nghề làm thế nào cho phù hợp khi chúng ta thực hiện tạo điều kiện liên thông cho họ được học cao hơn.

Thứ ba, về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp, tôi đồng tình với một số ý kiến đại biểu Quốc hội là nên thống nhất cơ quan đầu mối thực hiện quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nghề nghiệp và cũng thống nhất với ý kiến giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước và giáo dục nghề nghiệp hiện nay là chưa phù hợp, phân tán, từ đó dẫn đến sự quản lý không chặt chẽ và lãng phí trong đầu tư của lĩnh vực này mà ai cũng có thể nhận ra. Tuy nhiên, tôi không thống nhất với giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng thực tế trước đây lĩnh vực này giao cho Bộ Giáo dục quản lý ít quan tâm và từ đó không phát triển được và hệ thống thu hẹp lại. Sau khi giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì phát triển lên. Chúng tôi thấy, mặc dù kết quả trong hai giai đoạn thể hiện như thế, nhưng chúng ta không thể nào so sánh một cách khập khiễng giữa hai thời kỳ khác nhau, khi Nhà nước xác định mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và sự quan tâm đầu tư của hai giai đoạn khác nhau thì làm sao có thể có kết quả giống nhau được. Bên cạnh đó việc quản lý yếu kém là do con người, chứ không phải là do lỗi của hệ thống giáo dục quốc dân, rồi đây ta cắt ra từng đoạn giao cho nhiều bộ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, điều này sẽ phân tán nguồn lực đầu tư, phân tán quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và sẽ khó khăn trong vấn đề liên thông tạo điều kiện cho người học được học tập suốt đời.

Tôi không thống nhất với việc nhận định của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng nếu giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tất cả lĩnh vực nghề nghiệp thì sẽ tăng gánh nặng cho công việc và ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Chúng ta nói cần gom gọn một đầu mối quản lý, nhưng phân công quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo theo dự thảo này thì chia ra, nghĩa là tiếp tục giáo dục đào tạo bị phân tán trong quản lý từ đó tiếp tục phân tán trong vấn đề đầu tư. Bộ Giáo dục và Đào tạo với chức năng là giáo dục và đào tạo, như vậy bộ này phải thực hiện nhiệm vụ nhà nước về quản lý giáo dục và đào tạo, ta không thể nói là gánh nặng thêm mà Bộ Giáo dục buộc phải làm nhiệm vụ này. Nếu ta giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì không gánh nặng sao? Trong khi bộ này làm rất nhiều công việc về an sinh xã hội, phải lo cho con người từ lúc sinh ra cho đến lúc trở về với đất mẹ. Hiện nay, bộ này còn rất nhiều việc làm chưa tốt, mà giao thêm nhiệm vụ này lẽ nào là không gánh nặng, bộ này lại đẻ thêm bộ máy quản lý nhà nước, trong khi đó Bộ Giáo dục đã có một phần quản lý từ lâu. Nếu ta sợ giữa đào tạo và sử dụng dẫn đến nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu xã hội thì đó là vấn đề khác.

Thời gian qua, vấn đề đào tạo thừa, nhu cầu lao động qua đào tạo thiếu là vì sự phối hợp không chặt chẽ giữa hai bộ này. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa dự báo được nhu cầu sử dụng lao động của xã hội và Bộ giáo dục và Đào tạo chưa có phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Từ đó, là nguyên nhân nảy sinh sự bất ổn trong vấn đề quản lý, đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian qua.

Nếu quản lý là yếu kém do con người, thì cần thiết Chính phủ cũng nên tái cơ cấu bộ máy quản lý của ngành giáo dục để bộ phận tham mưu cho Chính phủ quản lý về giáo dục được tốt hơn. Không nên cắt từng đoạn của hệ thống giáo dục giao cho nhiều bộ quản lý. Nếu sau này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý không tốt thì sẽ chuyển lĩnh vực này cho ai quản lý? Tôi thiết nghĩ việc đổi mới giáo dục cần phải căn cứ trên góc độ khoa học và nghiên cứu thực tiễn của nhân loại, ta không nên quá nóng vội. Đề nghị Quốc hội nên cân nhắc trước khi quyết định vấn đề quan trọng này. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội nên lấy ý kiến bằng phiếu về vấn đề này trước khi thông qua.

ĐBQH Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Yên Bái

Các bài viết khác