Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng - Tiền Giang phát biểu ý kiến
Thứ nhất, nhất trí với việc đổi tên gọi của luật hiện hành thành Luật giáo dục nghề nghiệp và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật như giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, tôi thống nhất việc sắp xếp lại các trình độ giáo dục đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, hợp nhất các trình độ đào tạo của hệ thống dạy nghề với trình độ đào tạo tương ứng của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cũng như Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Vấn đề thứ ba, việc giao cho Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đã có nhiều ý kiến đại biểu phát biểu nhưng theo tôi vấn đề là chúng ta phải gắn mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy thực hiện chính nhiệm vụ đó. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp và gắn với yêu cầu giải quyết lao động và việc làm. Chính vì thế, theo tôi để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, giúp Chính phủ thực hiện chức năng nhà nước về việc này theo tôi là phù hợp. Tôi xin có một số góp ý cụ thể vào văn bản.
Thứ nhất về mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp. Tại Khoản 1 của Điều 4, quy định: "Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ". Tôi tán thành với dự thảo luật. Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung, chỉnh sửa khoản này, theo đó là bổ sung thêm cụm từ "thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh" để bảo đảm bao quát và toàn diện hơn. Lý do cần bổ sung là trong quân đội, cũng như trong công an hiện nay, phải có tổ chức các trường trung cấp, các trường đào tạo hệ sơ cấp, trung cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong quân đội và công an. Không chỉ cho sản xuất dịch vụ mà còn thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an, ninh khác. Đây là nguồn bổ sung cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Về mặt pháp lý, kế thừa Điều 33 của Luật giáo dục hiện hành, thể hiện khá hoàn chỉnh nội dung này để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Như vậy, tôi đề nghị Khoản 1 điều này phải nhìn lại như sau: Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có đạo đức, sức khỏe, có trách nhiệm nghề nghiệp v.v...và tiếp theo đó là đến hết quy định tại Khoản 1 của dự thảo luật.
Nội dung thứ hai, về cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5. Luật giáo dục hiện hành đã có quy định này tại Khoản 1, Điều 48 khi nói về các trường công lập. Tôi nghĩ rằng các trường công lập quy định trong Luật giáo dục cũng phải tương ứng với cơ sở giáo dục công lập quy định tại điểm này. Theo đó ngoài các tiêu chí do nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất còn có môt tiêu chí nữa là bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ chi thường xuyên. Từ đó tôi đề nghị phải xem xét bổ sung vào Điểm a, Khoản 2 tiêu chí này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật giáo dục.
Nội dung thứ ba, về chính sách của nhà nước đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp, tôi tán thành nội dung điều này với 8 khoản. Tuy nhiên, tôi đề nghị sửa lại Khoản 7 cho đầy đủ các đối tượng được hỗ trợ học nghề. Theo đó đề nghị sửa cụm từ "quân nhân xuất ngũ" thay bằng cụm từ "hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân, công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ và nghĩa vụ tham gia công an nhân dân", hoặc ngắn gọn hơn thì có thể viết là "chiến sỹ quân đội nhân dân, công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ và nghĩa vụ tham gia công an nhân dân".
Vấn đề thứ tư, về tuyển sinh đào tạo quy định tại Điều 33, tại Điểm c, Khoản 2 điều này quy định: tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Quy định trên chưa thể hiện rõ tiêu chí văn hóa phổ thông để được xét tuyển hoặc thi tuyển vào từng loại trường. Tôi đề nghị cụ thể hóa điều này trên cơ sở kế thừa Khoản 1, Điều 38 và Khoản 1, Điều 32 của Luật giáo dục. Theo đó vào trung cấp chuyên nghiệp thì đầu vào phải qua trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, cao đẳng đầu vào là trung học phổ thông hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp.
Tôi tán thành với quy định các trường hợp được tuyển thẳng vào cao đẳng và tôi đề nghị phải bổ sung trường hợp được tuyển thẳng vào các trường trung cấp. Đây được coi là một biện pháp để tạo điều kiện cho học sinh được học nghề sớm theo nhu cầu và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải mở rộng cửa để thu hút thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm.
Vấn đề thứ năm, về hiệu lực thi hành ở Điều 77, tôi đề nghị ghi rõ trong luật hiệu lực thi hành từ ngày nào. Theo tôi nên quy định từ ngày 1/7/2015 và đề nghị sửa lại Khoản 3, cần chỉ rõ các điều khoản trong Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học hết hiệu lực thi hành khi luật này có hiệu lực, không nên quy định chung như vậy. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.