Chỉ nên có hai hình thức sở hữu chung và riêng, nhưng cần phân định rõ

14/11/2014

Khi xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2005, Chính phủ đã xác định mục tiêu, quan điểm tiếp tục pháp điển hóa pháp luật dân sự để không phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này. Trong lần sửa đổi này, Tờ trình của Chính phủ đề ra mục tiêu là xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự.

Vậy thì hiểu theo cách nào cho đúng, vì hai mục tiêu xây dựng Bộ luật Dân sự này có sự trái ngược nhau? Trong khi đó, với vai trò là luật chung thì Bộ luật Dân sự cần quy định bao quát hết tất cả các lĩnh vực có liên quan đến quan hệ dân sự và bảo đảm tính ổn định. Tôi cho rằng, quy định theo hướng như trong dự thảo nêu ra là chỉ nên quy định chung nhất các vấn đề liên quan tới pháp luật dân sự. Tuy rằng đây là bộ luật lớn nhưng Bộ luật Dân sự không thể quy định tất cả các vấn đề liên quan, mà cần có những luật chuyên ngành để quy định các vấn đề chi tiết có tính đặc thù của từng lĩnh vực.

Dự thảo Bộ luật đưa ra hai phương án về hình thức sở hữu. Phương án 1: xác định 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2: xác định 2 hình thức sở hữu là sở hữu riêng và sở hữu chung; đồng thời ghi nhận hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tôi tán thành với phương án 2, chỉ nên có hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Bởi lẽ, sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu đặc thù mà ta có quy định sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, ví dụ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bầu trời... nhưng tôi cho rằng sở hữu toàn dân vẫn nằm trong hình thức sở hữu chung. Về phần giải thích hình thức sở hữu, tôi còn băn khoăn về Điều 206 quy định sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể bao gồm một cá nhân, một pháp nhân. Tôi không tán thành với quy định như trong dự thảo, vì nếu pháp nhân một thành viên thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu pháp nhân ở đây là một công ty cổ phần, mà tài sản của một công ty cổ phần là tài sản chung do các cổ đông đóng góp. Dự thảo cũng giải thích hình thức sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể sở hữu chung một tài sản. Vậy thì trong trường hợp này tài sản của một pháp nhân không phải là tài sản thuộc sở hữu riêng nữa. Tôi đề nghị dự thảo Bộ luật cần phân định rõ hơn hình thức sở hữu chung và sở hữu riêng.

ĐBQH Lê Đình Khanh (Hải Dương)

(Theo Đại biểu nhân dân)