ĐBQH Bùi Thị An - TP Hà Nội: Cần công bằng trong quá trình lập danh sách bầu cử giữa những người tự ứng cử và những người được giới thiệu

17/11/2014

Tôi hoàn toàn tán thành về sự cần thiết ban hành Luật bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Thời điểm này đất nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, cho nên việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan lập pháp là quan trọng số một, mà các cơ quan này chỉ được nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động khi từng đại biểu của các cơ quan này đạt được tiêu chuẩn mong muốn. Ở đây, tôi xin tập trung vào mấy vấn đề sau.

Đại biểu Quốc hội ĐBQH Bùi Thị An - TP Hà Nội phát biểu ý kiến

Thứ nhất, về tuổi ứng cử. Chúng ta nên thực hiện theo Hiến pháp, từ 21 tuổi trở lên, không có trần và đạt các tiêu chuẩn quy định". Vì sao như vậy: Thứ nhất, trong tổng kết của Đoàn thư ký thấy có đoàn bảo từ 22 tuổi trở lên, tôi thấy 21, 22 không khác nhau mấy, tôi nghĩ trong số các đại biểu trẻ có rất nhiều đại biểu bộc lộ đầy đủ tài năng, phẩm cách và có thể đại diện cho dân để tham gia các cơ quan dân cử.

Thứ hai, đối với những đại biểu cao tuổi. Tôi nghĩ trong số các đại biểu cao tuổi cũng không thiếu những người tài giỏi, minh mẫn, đó là chưa kể đến sự trải nghiệm của họ để họ có thể xứng đáng tham gia vào cơ quan dân cử, đại diện cho dân. Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Châu (Quảng Trị) và đại biểu Mai (Tuyên Quang), nên có tỷ lệ thích đáng cho những người tái cử và những người có kinh nghiệm, tức là những người đã tham gia khóa trước.

Về vấn đề hiệp thương và danh sách bầu cử. Tôi xin đề nghị tất cả cơ quan, tổ chức, những người giới thiệu các đại biểu ra ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì phải chịu trách nhiệm chính trị đến cùng. Còn việc như xác minh, điều tra thân nhân hoặc bản thân họ như thế nào tôi nghĩ các cơ quan tự chịu trách nhiệm, tránh tình trạng sau khi giới thiệu, được bầu trúng cử có vấn đề nọ, vấn đề kia ở các cấp, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử.

Về vấn đề tự ứng cử. Chúng ta đã thực hiện Hiến pháp, mọi người đều có quyền có thể tự ứng cử, nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị chúng ta nên công bằng trong quá trình lập danh sách bầu cử giữa những người tự ứng cử và những người được giới thiệu. Bởi vì có quy trình, thủ tục lập lý lịch, danh sách để xác minh tất cả các điều phải công bằng giống nhau, thậm chí xếp vào các bảng cũng nên như thế. Có tình trạng quá dễ cho trường hợp đồng chí A hoặc đồng chí B, tôi nghĩ sẽ gây ra một chuyện bất bình đẳng trong quá trình để sau này cho dân lựa chọn.

Về vấn đề tuyên truyền, tôi đồng ý với đại biểu Danh Út đã phát biểu. Tôi cũng đề nghị nên quy định rõ thời lượng, thời điểm trước bầu cử là bao nhiêu và trên loại báo nào, báo hình, báo ảnh, báo viết hay báo nói v.v... và thời hạn chấm dứt cuối cùng là bao nhiêu trước khi bầu cử là không được quảng cáo, tuyên truyền nữa. Tôi nghĩ như thế này để đảm bảo cho tất cả các đại biểu, kể cả được giới thiệu cũng như tự ứng cử. Trong này tôi cũng xin lưu tâm đối với các cơ quan thông tin đại chúng, thực ra các đồng chí cũng vô tình thôi, các đồng chí ký những hợp đồng quảng cáo liên quan đến công ty hay đơn vị mà các đại biểu được giới thiệu ra ứng cử có liên quan, mà lại quảng cáo quá sát ngày bầu cử nó không đúng với Luật bầu cử lại gây bất bình đẳng. Sau này tôi nghĩ cần quy định cụ thể hơn.

Về vấn đề cơ cấu, tôi cơ bản đồng ý. Thưa Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Luật bình đẳng giới được 8 năm và trên thực tế trong tất cả các văn bản của cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đều có nội dung lồng ghép giới. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 69 năm kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công thì vấn đề bình đẳng giới tuy có đạt được bước tiến đáng kể nhưng thực sự những bước tiến đó vẫn chưa xứng với tiềm năng thực sự của giới nữ. Theo tôi một trong những nguyên nhân là trong suốt thời gian qua và cả hiện nay thì tỷ lệ nữ trong các vị trí chủ chốt, tức là những vị trí có quyền ra quyết định còn rất thấp và tồn tại trong mô hình hình chóp. Chính điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ vì không ai hiểu mình bằng chính mình. Vì vậy, để khắc phục dần tình trạng này, tôi xin đề nghị quy định rõ tỷ lệ hình thành từ khi danh sách giới thiệu ra ứng cử, cũng như kết quả bầu cử sau này. Tôi đồng ý với ý kiến trước mắt một giới không quá 65% và cơ cấu đừng để nữ gánh nhiều vai quá, tối đa nên 2. Trong thực tế nếu giao cho nữ nhiều vai quá thì nữ sẽ trượt, tỷ lệ không bao giờ đạt. Ngay trong cơ quan lập pháp là cơ quan có quyền cao nhất trong việc ban hành các chính sách thì đã không đủ, biểu quyết bao giờ cũng thiểu số phục tùng đa số, cho nên nữ sẽ bị thiệt thòi. Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm để làm sao với tỷ lệ nữ trên 51% dân số, chúng tôi sẽ có những vị trí xứng đáng trong cơ quan hành pháp, lập pháp, tham gia tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, xứng với tiền năng của chúng tôi. Để đạt được mục tiêu, ngay trong luật này tôi đề nghị Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội xem xét cân nhắc chuyện này. Đây là điều thực hiện bình đẳng giới trong thập kỷ tới tốt hơn.

Tôi đề nghị vẫn quy định trách nhiệm người đứng đầu trong Luật bầu cử, kể cả trong hình thành danh sách, cơ cấu. Sau khi có kết quả bầu cử liên quan đến bình đẳng giới, cơ cấu thì đồng chí nào đứng đầu địa phương, cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm chuyện này. Có như thế các đồng chí sẽ để thời gian quan tâm, lưu tâm và đạt kết quả. Tôi tin trong Quốc hội khóa tới cũng như ở Hội đồng nhân dân các cấp khóa tới tỷ lệ sẽ ngày càng cao, để phụ nữ Việt Nam có vị trí xứng đáng trong tất cả các lĩnh vực

ĐBQH Bùi Thị An - TP Hà Nội