Việc chưa làm được - trách nhiệm thuộc về ai?

18/11/2014

Thảo luận tại Hội trường, các ĐBQH đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn. Có những việc đã chuyển biến rất rõ nét. Dẫu vậy, một số ĐBQH cũng cho rằng, từ đầu năm đến nay, thông điệp về trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành chuyển tải rất mạnh mẽ nhưng việc thực hiện trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai): Có những việc, Nghị quyết của QH đã nêu rất rõ, bây giờ không thực hiện được nhưng cũng không rõ trách nhiệm thuộc về ai…
 
Tôi rất mừng thời gian gần đây Chính phủ luôn quan tâm và thể hiện trong nội dung Báo cáo của Chính phủ trình tại các Kỳ họp của QH, kiểm điểm trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành của các ngành, các cấp. Đặc biệt, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có một thông điệp rất quyết liệt: cùng với cải cách thể chế, phải xác định trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong báo cáo của Chính phủ trình QH tại Kỳ họp này, tôi thấy Chính phủ nhấn mạnh đến vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi chưa nghiêm, hiệu quả thanh, kiểm tra còn hạn chế. Nhưng đến nay, tôi thấy vẫn chưa chuyển biến rõ. Tôi đề nghị, Chính phủ cần đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của bộ, ngành liên quan, nhất là làm rõ trách nhiệm cá nhân để có giải pháp khắc phục, có kết quả để sau Kỳ họp này và trong thời gian tới không lặp lại những hạn chế này. Ví dụ: liên quan đến vấn đề thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành lập và trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng, các khu nông nghiệp, công nghiệp cao trong năm 2013, chậm nhất là tháng 6.2014. Rất tiếc, tới nay, đã là cuối tháng 11 nhưng kết quả chưa đạt được trong thực tế.

Hay tại Kỳ họp thứ Năm, QH có Nghị quyết số 52 ngày 21.6.2013 về chất vấn và trả lời chất vấn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm hoàn thành và tổ chức thực hiện đề án trồng bù diện tích rừng chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện. Nhưng từ đó đến nay, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định rõ xem trách nhiệm này Bộ Nông nghiệp tới đâu? Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan tới đâu? Trách nhiệm của địa phương tới đâu? Bây giờ, Nghị quyết của QH đã nêu rồi nhưng kết quả không thực hiện được mà không rõ trách nhiệm về ai. Thế thì thông điệp của Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện như thế nào? Tôi đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nên báo cáo rõ với QH, với cử tri.

Tôi cũng đề nghị, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, các bộ, ngành liên quan cũng phải xác định rõ trách nhiệm của mình, trên cơ sở đó có xác định lộ trình, thời gian cụ thể để tổ chức thực hiện có kết quả các Nghị quyết của QH.
 
ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Chỉ riêng Bộ NN và PTNT không thể giải quyết được tình trạng nông nghiệp được mùa mất giá, được giá mất mùa – Chính phủ cần xem lại tính đồng bộ, tổng thể ở đây như thế nào?

Tôi đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nội dung, công việc đã được nêu trong Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn.  Báo cáo đã phản ánh được thực tế Chính phủ đang làm, dĩ nhiên có những việc còn chờ kết quả, cần có thời gian.

Liên quan đến vấn đề nông nghiệp, tôi cho rằng, các giải pháp Chính phủ làm, còn thiếu tính đồng bộ, phối hợp. Để thực hiện những vấn đề Nghị quyết của QH đã nêu thì không phải chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hay trong phát triển nông nghiệp cũng không phải chỉ tập trung vào vấn đề tín dụng. Tôi đề nghị, Chính phủ cần xem xét lại tính đồng bộ ở đây như thế nào? Tôi nhận thức rằng, trong lợi thế về tự nhiên của nước ta, có lẽ lợi thế lớn nhất vẫn là về nông nghiệp. Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa đặt bài toán phát triển nông nghiệp một cách tổng thể. Tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra chương trình tái cấu trúc hơn 12 nhóm vấn đề. Nhưng chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm thì không giải quyết được tình hình, không giải quyết được vấn đề như QH kết luận và cuối cùng nông nghiệp của chúng ta vẫn cứ được mùa mất giá, được giá mất mùa...

Giải quyết bài toán về phát triển trong kinh tế thị trường có 3 việc: sản xuất cái gì? Sản xuất bằng cách nào? Và sản xuất cho ai? Lâu nay, sản xuất cái gì, trồng cây gì, nuôi con gì thì chúng ta nói rất hay, việc đó dễ nói. Nhưng sản xuất bằng cách nào với giá thành rẻ nhất để có thể cạnh tranh được thì không giải được. Sản xuất ra rồi bán cho ai cũng không giải được. Từ thực tế này, tôi kiến nghị mấy điểm sau:

Thứ nhất, chúng ta phải giải bài toán tại sao mỗi năm chúng ta cần 6 triệu tấn ngô để chăn nuôi nhưng lại chủ yếu phải nhập khẩu vì ngô sản xuất trong nước có giá thành cao hơn ngô nhập khẩu khoảng 5 - 6 nghìn đồng/kg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo làm 200.000ha trồng ngô ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ngô không bán được. Ở đây, chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề phương thức tổ chức. Nếu không thay đổi phương thức tổ chức sản xuất thì không đưa khoa học, công nghệ vào được, không đưa tín dụng vào được, không giảm giá thành được. Và như vậy, cũng có nghĩa là chúng ta không giải quyết được bài toán về nông nghiệp. Vấn đề của nông nghiệp chúng ta hiện nay là tổ chức phương thức sản xuất chứ không phải như anh Nguyễn Thiện Nhân nói rằng chúng ta có 12 sản phẩm nông nghiệp về năng suất sinh học đứng đầu thế giới. Năng suất sinh học đứng đầu thế giới nhưng tại sao vẫn nghèo, bởi vì chúng ta làm ra giá thành cao hơn thiên hạ, tức là năng suất cao cũng không giải quyết được vấn đề gì. Vậy sản xuất bằng cách nào? Đây là vấn đề cần phải có biện pháp đồng bộ.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề an ninh lương thực. Chúng ta có cần phải duy trì một lượng gạo như hiện nay không? Cả thế giới chỉ có 10% gạo gọi là xuất nhập khẩu, cơ bản hàng hóa này là tự cấp, tự túc. Vấn đề an ninh lương thực cỡ nào và giải quyết bài toán an ninh lương thực hay an ninh cả lương thực và thực phẩm, những vấn đề này mang tính quan điểm. Tôi nghĩ không giải quyết vấn đề chung như vậy thì chúng ta không giải quyết được các vấn đề riêng rẽ.

Nếu chúng ta không giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp một cách tổng thể, hình thành một hệ thống định chế cụ thể thì không thể chấm dứt được bài ca được mùa mất giá, được giá mất mùa kiểu như hiện nay.

ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa): Cán bộ cấp càng cao thì càng phải công khai, minh bạch - chống tham nhũng mà chỉ chống từ vai trở xuống thì dân không tin chúng ta đâu
 
Tôi rất hoan nghênh Chính phủ báo cáo QH về việc thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong một thời gian không dài, nhưng Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, rất nhiều lĩnh vực trong đời sống đã có những chuyển biến rõ rệt.

Tôi quan tâm một số việc:

Một là, phòng, chống tham nhũng. Tôi đánh giá là có nhiều chuyển biến. Nhân dân cũng thấy được có sự chuyển biến. Tuy nhiên về cơ bản, tôi thấy, cần phải có những suy nghĩ, cách làm để thay đổi thực trạng hiện nay. Ví dụ, vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy việc làm... tôi nghĩ là thực trạng rất nhiều năm nay. Ở Thanh Hóa vừa qua, chúng tôi tổ chức thi công chức rất quyết liệt, có thể nói là quyết liệt đến mức không thể có chuyện tiêu cực. Nhờ đó, loại trừ được câu chuyện trước đây người ta vẫn có dư luận hàng trăm triệu hoặc mấy trăm triệu mới được một suất vào biên chế. Hay vừa rồi, tôi thấy các Bộ như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp, rồi các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam... đều tổ chức thi tuyển đến cấp Tổng cục trưởng, Vụ trưởng rồi Giám đốc Sở... Tôi thấy cách làm như vậy rất hay, công khai, minh bạch và loại trừ được việc chạy chức, chạy quyền, rồi bao nhiêu vợ bé, con rơi, bao nhiêu nhà đất ở đâu... cũng đều công khai ra hết. Chúng ta cần tổng kết lại kinh nghiệm hay của các bộ, các địa phương đã làm tốt vấn đề cán bộ để triển khai trên phạm vi cả nước. Tôi cho rằng, đây là một trong những biện pháp rất căn bản trong phòng, chống tham nhũng.

Liên quan đến những cán bộ cao cấp, chúng ta phải kịp thời công khai cho dân. Tôi thấy những vụ lần trước chất vấn, vụ nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, cho đến bây giờ chưa thấy báo cáo gì với QH. Tôi nghĩ đây là những vấn đề rất quan trọng, chỉ cần một vụ này có thể dân sẽ mất lòng tin với Đảng. Đụng chạm đến cán bộ cao cấp, càng cao thì càng phải công khai, minh bạch, còn cứ âm âm, chung chung thì dân không tin. Chúng ta có nói bao nhiêu dân cũng không tin. Nếu không làm nghiêm từ trên đầu mà chỉ làm từ vai trở xuống thì dân không tin chúng ta đâu. Tôi đề nghị, phải làm rất nghiêm những vụ liên quan đến cán bộ cao cấp.

Hai là, về chống buôn lậu. Tôi rất hoan nghênh Chính phủ, đặc biệt là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất lăn lộn, trong chỉ đạo, nói rất nhiều đến trách nhiệm. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ở đâu mà buôn lậu nghiêm trọng thì Giám đốc công an ở các tỉnh đó phải chịu trách nhiệm. Tôi thấy báo chí đưa và nhiều lần Phó thủ tướng cũng kết luận như vậy. Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa làm, chưa thực hiện được trách nhiệm này. Hôm trước tham gia vào dự án Luật Công an nhân dân tôi cũng nói đến chuyện có phong tướng thì phải có giáng tướng, giáng chức nếu anh không hoàn thành trách nhiệm, anh không xứng đáng. Bây giờ cũng vậy, tại sao biên giới của chúng ta buôn lậu khủng khiếp như vậy? Cứ Bộ Công an lên làm thì bắt được một số vụ nghiêm trọng. Nhưng Bộ Công an đi thì lại ném đá ao bèo. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện ở đâu? Trách nhiệm của Trưởng công an huyện đó ở đâu? Trách nhiệm của Chỉ huy trưởng biên phòng ở đâu? Không phải chỉ có mấy người làm ở cơ sở đâu mà phải cách chức cả cấp cao hơn nữa thì sẽ chấm dứt được. Còn nếu chúng ta cứ làm như thế này, không rõ ràng, không kiên quyết, tôi nghĩ sẽ không giải quyết được tình trạng buôn lậu. QH, Chính phủ cố mấy thì vẫn cứ thế. Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ở các điểm xung yếu này, thì mới giải quyết được.

(Theo Đại biểu nhân dân)