Sửa đổi Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm bước đi thận trọng và chắc chắn

19/12/2014

Theo ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cử tri đánh giá rất cao kết quả lấy phiếu tín nhiệm của QH tại Kỳ họp thứ Tám. Việc lấy phiếu tín nhiệm và công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm của QH, HĐND vừa là thước đo mức độ tín nhiệm, vừa có tác dụng thúc đẩy những người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều này có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

- Hiện nay, các Đoàn ĐBQH đang tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Tám. Đại biểu sẽ báo cáo điều gì về Kỳ họp với cử tri của mình? 

- Tôi nói với cử tri của mình, Kỳ họp thứ Tám là Kỳ họp có chương trình nghị sự dày đặc, khối lượng công việc rất lớn và QH đã bàn rất nhiều vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng, có tác động lâu dài đến tương lai phát triển của đất nước. Với khối lượng công việc nặng nề nhưng các ĐBQH đã làm việc nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, nhiều phiên họp, các ĐBQH thảo luận và tranh luận rất quyết liệt để đi tới quan điểm thống nhất. Vì thế, những kết quả mà QH đã đạt được tại Kỳ họp thứ Tám là kết quả của tinh thần trách nhiệm rất cao của QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH trước nhân dân, trước tương lai phát triển của đất nước.

Về KT-XH, QH đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực và có nhiều chiều hướng phát triển tốt trong tương lai. Thị trường tiền tệ được ổn định, tỷ giá ngoại tệ ổn định, giá vàng trong tầm kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, tỷ lệ nợ xấu giảm. Kinh tế vĩ mô khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát trong mục tiêu kế hoạch QH đặt ra. Bên cạnh việc ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành cũng như toàn thể hệ thống chính trị, nhiều ĐBQH đã chỉ rõ, khó khăn lớn nhất hiện nay là sức mua trên thị trường bị giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ra tiêu thụ chậm làm tăng hàng tồn kho. Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nợ công sát trần cho phép, nợ xấu còn cao. Trên cơ sở những phân tích như vậy, QH đã quyết định nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Về lập pháp, Kỳ họp thứ Tám, chương trình lập pháp của QH rất nặng. QH đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, thể chế kinh tế... Các đạo luật này sẽ tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Một nội dung được cử tri đánh giá cao tại Kỳ họp thứ Tám là việc QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ Khóa XIII, QH thực hiện công cụ giám sát quan trọng này. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các ĐBQH đánh giá cao sự nỗ lực và cố gắng của các thành viên Chính phủ sau đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Kỳ họp thứ Năm. Nhiều thành viên Chính phủ ở lần lấy phiếu tín nhiệm trước có số lượng phiếu tín nhiệm thấp rất lớn nhưng Kỳ họp này đã giành được nhiều phiếu tín nhiệm cao của ĐBQH bằng chính những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực mà mình phụ trách như Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải hay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Về công tác chuẩn bị, có thể thấy đã có sự kỹ càng chu đáo hơn. Bản tự đánh giá của các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm đầy đủ hơn, thống nhất hơn. Đặc biệt lần này ĐBQH cũng nhận được bản kê khai tài sản. Thời gian lấy phiếu dành cho ĐBQH là 30 phút, dài hơn nên các ĐBQH có điều kiện đưa ra đánh giá chính xác và công tâm. Tôi đi tiếp xúc cử tri thì thấy, cử tri hài lòng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm của QH, cho rằng, kết quả đã phản ánh tương đối chính xác thực tiễn điều hành, quản lý của người được lấy phiếu và thực trạng các lĩnh vực KT-XH hiện nay. Cử tri cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự khách quan và công tâm của các ĐBQH trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm.

- Tại Kỳ họp thứ Tám, QH cũng đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Như tôi đã nói ở trên, cử tri đánh giá rất cao hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của QH, HĐND các cấp. Sau khi có Nghị quyết 35, QH tiến hành lấy phiếu lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ Năm và lấy phiếu lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Tám. Sau 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta có kinh nghiệm, có thực tiễn và thấy rõ những vấn đề đặt ra cần sửa đổi để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành bài bản hơn, hiệu quả hơn. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của QH cho phù hợp là cần thiết.

Theo Nghị quyết 35 cũ thì mỗi năm một lần, QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Tức là một nhiệm kỳ 5 năm, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 5 lần. Qua thảo luận thì QH thấy rằng, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm như vậy là quá dày, không đủ thời gian, điều kiện để các cá nhân được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm có thể khắc phục và có những điều chỉnh trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực của mình. Cũng có ĐBQH cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ 2 lần. Tuy nhiên, nếu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ QH hoặc HĐND thì ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo. Quy định QH, HĐND lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị. Một vấn đề khác là các mức lấy phiếu tín nhiệm. Theo tôi, việc giữ nguyên quy định 3 mức độ tín nhiệm cũng là phù hợp nhằm phân biệt hai hình thức lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm. Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại QH, việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức vừa thể hiện được sự động viên, khích lệ đối với người được lấy phiếu, vừa là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác. Tôi cho rằng, sửa đổi Nghị quyết 35 như vậy là phù hợp.

Tất nhiên, ngay cả khi QH thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 thì cũng vẫn có một số ý kiến trong dư luận chưa đồng tình lắm. Nhưng tôi cho rằng, việc sửa đổi Nghị quyết như vậy là sự cân nhắc rất thận trọng và chắc chắn của QH. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động rất đặc thù của nước ta. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm phải phù hợp với đặc điểm kinh tế chính trị của nước ta qua mỗi giai đoạn phát triển. Mục tiêu cuối cùng là đưa ra đánh giá đúng mức, công tâm về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước của những người được QH bầu hoặc phê chuẩn.

- Qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm tại QH, theo đại biểu, hoạt động này đã tác động như thế nào đến sự vận hành của bộ máy nhà nước?

- Tôi cho rằng, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm có sức lan tỏa lớn, tác động trực tiếp đến những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Những cá nhân được tín nhiệm cao thì phấn khởi và phấn đấu tích cực để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Những cá nhân có số phiếu tín nhiệm thấp còn nhiều thì có áp lực phải nỗ lực và quyết liệt hơn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vậy, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp thì việc lấy phiếu tín nhiệm và công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm của QH, HĐND vừa là thước đo mức độ tín nhiệm, vừa là đòn bẩy, thúc đẩy những người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều này, rất có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Thực tế qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm tại QH, tôi thấy, người được lấy phiếu cũng lo lắng, bởi ở nhiều lĩnh vực ĐBQH cũng khó thấy hết, chưa hiểu hết công việc của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Cũng có người mới nhậm chức nên chưa có thời gian thể hiện năng lực, trách nhiệm của mình. Nhưng bản thân các ĐBQH cũng lo lắng không kém những người được lấy phiếu tín nhiệm đâu. Bởi lá phiếu của ĐBQH đại diện cho hàng triệu cử tri, nếu lá phiếu của ĐBQH đánh giá chưa đúng là ĐBQH có lỗi với cử tri. Bản thân ĐBQH luôn luôn phải ý thức rằng, mình là đại diện cho dân, lá phiếu của mình là thay mặt dân để đánh giá. Vì thế bản thân ĐBQH cũng phải năng động, chủ động lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra mức đánh giá chính xác. Vì thế, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động hết sức cần thiết và quan trọng, giúp xác định được những người có đức, có tài gánh vác được những nhiệm vụ mà đất nước và nhân dân giao phó, là thước đo để đánh giá trình độ, năng lực, nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ với Đảng, với dân.

- Xin cám ơn Đại biểu!

(Theo Đại biểu nhân dân)