Tuyên bố Hà Nội là dấu mốc lịch sử của IPU, là thành công của IPU – 132

02/04/2015

​Trao đổi với phóng viên báo chí trong nước và quốc tế ngay sau khi bế mạc Đại hội đồng IPU - 132, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU-132 Trần Văn Hằng cho biết, Đại hội đồng IPU-132 đã giành được những kết quả to lớn.

Sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam đã bảo đảm cho thành công của Đại hội đồng lần này. Đại hội đồng IPU-132 đã thống nhất cao ra Tuyên bố Hà Nội theo sáng kiến của Việt Nam. Đây là dấu mốc lịch sử của IPU, là thành công của IPU - 132, làm cho giá trị của IPU cao hơn.

- Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về sự tham gia của Nghị viện các nước thành viên IPU và các khách mời của IPU tại Đại hội đồng IPU - 132 cũng như các Hội nghị liên quan?

- Trước hết, phải khẳng định, Đại hội đồng IPU - 132 đã giành được những kết quả to lớn. Sự chuẩn bị của Việt Nam đã bảo đảm thành công tốt đẹp của Đại hội đồng lần này. Tôi đã tham gia nhiều kỳ Đại hội đồng IPU, nhưng Đại hội đồng IPU - 132 là kỳ họp có số lượng Đoàn tham gia nhiều nhất, số lượng lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện thành viên IPU tham gia nhiều nhất, hơn 100 Chủ tịch QH và Phó chủ tịch QH của các nước tham dự; có những nước có sự tham dự của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch QH và các Phó chủ tịch QH. Điều này đã cho thấy mối quan tâm của Nghị viện và nhân dân các nước đối với chủ đề mà Việt Nam đề xuất cho Đại hội đồng IPU – 132 lần này: Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.

Khi lãnh đạo nghị viện và các nghị sĩ trên thế giới đến Việt Nam, họ đã mang theo ý nguyện của nhân dân nước mình, từ đó trao đổi, tranh luận, thảo luận, đóng góp ý kiến cho các nghị quyết và thành công của Đại hội đồng IPU - 132. Các cuộc họp của Đại hội đồng, của các Ủy ban thường trực, của Hội nghị Nữ nghị sĩ, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU... đều có sự tham gia rất sôi nổi của các đoàn nghị viện thành viên. Có những cuộc họp, hội nghị có gần 100 ý kiến phát biểu. Ví dụ, cuộc họp về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có quyền toàn diện hơn trong đời sống, nhất là tạo điều kiện để phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị, Đoàn đại biểu nghị viện các nước, các nghị sĩ đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong quá trình phấn đấu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; đồng thời nêu ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Thực tế không phải tất cả các nước đều đã đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ. Từ đó, các đoàn đại biểu, các nghị sĩ đề xuất chuyển sang một giai đoạn mới: giai đoạn thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cho 15 năm tới. Như vậy, kế tiếp những mục tiêu, chỉ tiêu chưa thực hiện xong trong các mục tiêu thiên niên kỷ, chúng ta đề xuất chương trình nghị sự sau 2015 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 nhiệm vụ cụ thể. Đoàn đại biểu nghị viện các nước cũng đưa ra kế hoạch cụ thể của quốc gia mình: nghị viện tham gia thế nào, đóng góp thế nào, giám sát ra sao để Chính phủ các nước tiến hành thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Qua các cuộc thảo luận, trao đổi tại Đại hội đồng lần này, nghị viện các nước cũng học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu của nhau. Đoàn đại biểu các nước cũng bày tỏ nguyện vọng chính đáng và đã đưa vào Nghị quyết của IPU là tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các nghị viện trong thực hiện các mục tiêu bền vững.

Có thể nói rằng, nghị viện các nước thành viên cũng như các khách mời đã tham gia tích cực, nhiệt tình, đóng góp vào thành công chung của Đại hội đồng IPU - 132.

- Đại hội đồng IPU - 132 đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố Hà Nội. Xin Chủ nhiệm cho biết vì sao tầm nhìn của Tuyên bố Hà Nội lại đặc biệt nhấn mạnh việc tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế?

- Trước hết, Tuyên bố Hà Nội là một sáng kiến của Việt Nam. Ngay từ khi vận động đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU - 132, chúng ta đã nghĩ đến việc phải có một tuyên bố ghi dấu ấn của Hà Nội, dấu ấn của Việt Nam. Chúng ta đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU vào đúng thời điểm chuyển giao giữa 2 giai đoạn phát triển của cộng đồng quốc tế. Năm 2015 là năm cuối cùng hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và chuyển sang giai đoạn mới. Vậy định hướng trong 15 năm tới là gì? - đây là vấn đề cả thế giới quan tâm. Kết hợp với đường lối phát triển của chúng ta, từ phát triển sang phát triển bền vững, chúng ta đã nghĩ đến chủ đề thảo luận chung của Đại hội đồng IPU - 132 gắn trực tiếp với đường lối phát triển KT - XH của nước ta trong những năm tới. Và khi Việt Nam đề xuất chủ đề cho Đại hội đồng IPU - 132 đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nghị viện các nước thành viên. Hiện nay, Liên Hợp Quốc cũng đang xây dựng chương trình nghị sự sau năm 2015. Chương trình nghị sự này bao gồm những nội dung gì thì hiện nay các nước đang trong quá trình đàm phán, thảo luận để trình Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định. Nghị viện nhìn nhận được các vấn đề cần tập trung trong giai đoạn sau 2015 vì chúng ta xuất phát từ nguyện vọng của người dân nên chúng ta chủ động đề xuất và đưa các nội dung này lên Liên Hợp Quốc. Ý nghĩa của Tuyên bố Hà Nội nằm ở đấy.

Thứ hai, Tuyên bố Hà Nội là tuyên bố được thông qua tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch QH nước ta được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU - 132 và chủ đề  của Đại hội đồng là do chúng ta đề xuất nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuyên bố Hà Nội thể hiện uy tín của nước ta trên trường quốc tế; thể hiện được việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của chúng ta đã có kết quả. Và Đại hội đồng IPU - 132 là một trong những kết quả rõ nét nhất. Chúng ta đã tập hợp về đây hàng trăm đoàn đại biểu nghị viện các nước để cùng nhau thảo luận những vấn đề Việt Nam và các nước quan tâm. Tính đồng thuận rất cao. Vì vậy, Tuyên bố Hà Nội là dấu mốc lịch sử của IPU, đúng như Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã nói: Tuyên bố Hà Nội là thành công của IPU - 132, làm cho giá trị của IPU cao hơn. Chủ tịch IPU Chowdhury cũng đã nói: chúng tôi vinh danh Việt Nam, vinh danh Hà Nội. Điều này thể hiện chủ đề chúng ta đưa ra có ý nghĩa như thế nào đối với toàn cầu, đáp ứng được lòng mong mỏi của bạn bè khắp năm châu; đồng thời cũng thể hiện khâu tổ chức của chúng ta rất chuyên nghiệp, bài bản, chúng ta đón tiếp Đoàn đại biểu nghị viện các nước rất thân tình, chu đáo, đoàn kết, hữu nghị, làm cho bạn bè đến với chúng ta cảm thấy thoải mái để đóng góp nhiều hơn cho Đại hội đồng lần này. 

Để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, Tuyên bố Hà Nội khẳng định, cần phải có môi trường hòa bình và an ninh quốc tế. Trong 70 năm hình thành và phát triển, Liên Hợp Quốc đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bình đẳng giữa các quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta tổ chức Đại hội đồng IPU - 132 thì tình hình quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình hình tranh chấp trên Biển Đông và một số vùng khác, gây bức xúc và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Tuyên bố Hà Nội tuyên bố bảo đảm hòa bình an ninh thế giới trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Hiến chương Liên Hợp Quốc đã quy định phải duy trì hòa bình an ninh quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền độc lập chính trị của các quốc gia; cấm đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực, giải quyết mọi bất đồng bằng hòa bình. Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế đã khẳng định như vậy. Do đó, Tuyên bố Hà Nội nêu rõ: để thực hiện được chương trình nghị sự IPU vừa thông qua, đòi hỏi phải có những điều kiện về hòa bình và an ninh quốc tế, tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Trên thế giới này, bất kể quốc gia nào, dù là phát triển hay kém phát triển, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ thì nhân dân đều yêu chuộng hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy, các nghị viện, các quốc gia phải tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các điều ước quốc tế mà mình đã cam kết, tham gia.

- Đại hội đồng IPU - 132 đã thông qua 4 Nghị quyết về 4 nội dung lớn được thảo luận tại các Ủy ban thường trực của IPU lần này. Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về các Nghị quyết này và việc thực thi tại Nghị viện các nước thành viên IPU?

- Đại hội đồng IPU lần này bàn nhiều nội dung, nhiều chủ đề quan trọng. Tại Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh Quốc tế, các đại biểu thảo luận về chủ đề Chiến tranh mạng. Đoàn ĐBQH Việt Nam đã có những đóng góp hết sức thiết thực. Các ý kiến, đề xuất của Đoàn ĐBQH Việt Nam đều được ghi nhận trong Nghị quyết về Chiến tranh mạng. Hiện nay, chiến tranh mạng là một trong những vấn đề đe dọa tới an ninh quốc gia của các nước. Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế quy định vấn đề bảo đảm thông tin. Cho nên Nghị quyết về Chiến tranh mạng Đại hội đồng IPU - 132 thông qua lần này hết sức quan trọng.

Nghị quyết thứ hai được thông qua tại Đại hội đồng lần này là Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước. Trong tình hình hiện nay với thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu thì nước đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách. Trữ lượng nước của chúng ta cũng đang vơi đi. Chúng ta đã chủ động đề xuất chủ đề về vai trò của nghị viện trong quản trị nguồn nước và phối hợp với Bhutan, quốc gia đang rất quan tâm tới vấn đề nước, đồng bảo trợ đề xuất chủ đề này. Chủ đề về quản trị nguồn nước đã được thảo luận tại Đại hội đồng IPU - 131 tại Geneva, Thụy Sĩ. Dự thảo về quản trị nguồn nước đã được chuẩn bị từ tháng 10.2014 đến trước lúc diễn ra Đại hội đồng IPU - 132, chúng ta đã tiến hành tổ chức các hội thảo, hội nghị và tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến đóng góp của Đoàn ĐBQH Việt Nam đều được ghi nhận trong Nghị quyết được thông qua tại Ủy ban thường trực về Phát triển Bền vững, Tài chính và Thương mại. Đây là chủ đề mang tính toàn cầu, không chỉ cho trước mắt mà còn cả về lâu dài trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Nghị quyết thứ ba được thông qua tại Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền: Nghị quyết Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người. Đại hội đồng IPU - 132 là lần thứ ba Ủy ban đưa chủ đề này ra để thảo luận. Thông thường, các nội dung, chủ đề được đưa ra thảo luận hai lần tại Đại hội đồng, nhưng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ quyền con người trên thế giới đang là vấn đề bức xúc, đang bị vi phạm ở nhiều nơi trên thế giới. Nghị quyết được thông qua lần này dựa trên cơ sở sự đồng thuận chung, chứ không phải hoàn toàn nhất trí thông qua, có 6 quốc gia bảo lưu ý kiến về vấn đề này.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH Việt Nam còn tham gia Ủy ban thường trực về các vấn đề Liên Hợp Quốc. Đoàn ĐBQH Việt Nam đã đề xuất một số vấn đề nhằm góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Liên Hợp Quốc. Các ý kiến, đề xuất của Đoàn ĐBQH Việt Nam được đồng thuận cao và được ghi nhận vào báo cáo chuyển lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Chúng ta còn tham gia một số hoạt động khác như: Diễn đàn Nghị sĩ trẻ, Hội nghị Nữ nghị sĩ, sự kiện bên lề về Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới... Trong đó, Đại hội đồng IPU - 132 là lần thứ hai Diễn đàn Nghị sĩ trẻ được tổ chức. Năm ngoái Diễn đàn này được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng mới chỉ mang tính chất khởi động. Còn năm nay các nghị sĩ trẻ đã tham gia thảo luận các nội dung cụ thể về tất cả các nội dung tại Đại hội đồng IPU - 132. Các nghị sĩ trẻ đề xuất tại các kỳ Đại hội đồng IPU tiếp sau nên tiến hành Diễn đàn Nghị sỹ trẻ trước khai mạc Đại hội đồng một ngày để các nghị sĩ trẻ cũng tham gia thảo luận tất cả các nội dung như tại Đại hội đồng IPU - 132. Đề xuất này rất thực tế và phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Bởi các quyết sách của Nghị viện và các quốc gia trên thế giới đều có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới giới trẻ, ví dụ như các vấn đề về bình đẳng giới, ma túy, chống khủng bố... Trong khi đó, giới trẻ là đối tượng dễ bị tác động đầu tiên bởi các vấn đề nêu trên. Cho nên, khi các nghị sĩ trẻ có đề xuất như thế và Đại hội đồng IPU thấy rằng đây là đề xuất hợp lý nên đã ghi nhận. Đoàn ĐBQH Việt Nam đã cử các ĐBQH trẻ tham dự Diễn đàn.

Về thực thi các Nghị quyết của Đại hội đồng IPU - 132 lần này thì Tuyên bố Hà Nội là vấn đề quan trọng nhất. Tuyên bố Hà Nội là văn kiện mang tính định hướng, góp phần cho Liên Hợp Quốc định hướng chương trình nghị sự sau năm 2015, xác định các mục tiêu cụ thể. Tuyên bố Hà Nội sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận để bổ sung tại Hội nghị của các Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện tại New York trong tháng 8 tới, để bàn và thống nhất một lần nữa trước khi trình Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào kỳ họp lần thứ 70 diễn ra vào tháng 9 tới, đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc. Như vậy, đây là văn kiện rất quan trọng. Như Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã nói, để biến Nghị quyết từ lời nói thành hành động thì vai trò, trách nhiệm của các nghị viện thành viên là biến các nội dung của Nghị quyết thành cơ sở pháp lý, chính sách, quyết sách cụ thể tại các nước để triển khai thực hiện.

Kèm theo Tuyên bố Hà Nội, Ban Thư ký IPU đã chuẩn bị bộ tài liệu gồm các Nghị quyết và các giải pháp để gửi cho các Nghị viện thành viên với yêu cầu triển khai thực hiện các nghị quyết này. Vai trò của Quốc hội/Nghị viện các nước trong triển khai thực hiện các Nghị quyết thể hiện ở 4 điểm mà các Nghị quyết đã nêu: Một là, xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách cụ thể, đây là cụ thể hóa các Nghị quyết để triển khai. Hai là, giám sát Chính phủ thực hiện các chính sách, quyết sách của Quốc hội/Nghị viện. Ba là, quyết định vấn đề ngân sách để thực hiện các quyết sách này. Bốn là, trên cương vị là đại biểu của dân, các Nghị viện cần tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện theo các Nghị quyết của IPU.

Với 4 nhiệm vụ như trên, tôi tin tưởng các Nghị quyết này sẽ được thực thi. Bởi qua theo dõi hoạt động tại các Ủy ban thường trực của IPU cũng như tại các phiên họp chung của Đại hội đồng, tôi thấy các Trưởng đoàn đều phát biểu, nêu ra chương trình hành động và kế hoạch hết sức cụ thể của nước mình để triển khai 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững. Phát biểu của Trưởng đoàn nghị sĩ Israel đã nêu rõ, chúng ta không nên nói nhiều mà chúng ta hãy làm và chúng ta làm thế nào? Cụ thể chúng tôi đang xây dựng trung tâm sản xuất sữa công nghệ cao ở Việt Nam. Và họ nói rằng, hợp tác là ở chỗ này, xóa đói giảm nghèo là ở chỗ này, việc gì phải nói nhiều mà phải hành động. Các đoàn nghị sĩ đã rất ủng hộ ý kiến này của Đoàn Israel và cho đây là ý kiến rất thực tế, biến lời nói thành hành động.

Theo ĐBND